Chăm lo cho người khuyết tật là một trong những chương trình lớn dài hơi của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Thời gian qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM đã hỗ trợ người khuyết tật vượt qua trở ngại về hoàn cảnh, bệnh tật hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Với phương châm hoạt động “Trao cho người khuyết tật và trẻ mồ côi cần câu chứ không cho con cá”, hội đã vận động mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài nước chung tay góp sức chăm lo cho người khuyết tật.
Một trong những chương trình trọng tâm của hội là dạy nghề, tìm và tạo việc làm cho người khuyết tật. Hơn 75% người khuyết tật sau khi học nghề tại trung tâm dạy nghề của hội đã có việc làm. Nhiều em sau khi học nghề, được gia đình và hội hỗ trợ về cơ sở, tài chính đã mở cơ sở tư nhân và thu nhận các em khuyết tật khác đến làm việc. Bên cạnh đó, chương trình tặng học bổng cũng đã giúp nhiều trẻ khuyết tật được tiếp tục đến trường. Để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm ăn, hội đã trao nhiều xe lăn, xe lắc để họ có phương tiện thay đôi chân đi lại làm ăn ổn định cuộc sống. Hay chương trình sinh kế cho người khuyết tật đã hỗ trợ vốn để người khuyết tật làm ăn từ kinh doanh nhỏ lẻ như bán bánh kẹo, nước uống, vé số… đến sản xuất tập trung như cơ sở sản xuất xe lăn Kiên Cường, các cơ sở massage… Bên cạnh đó, hội cũng đã giúp rất nhiều người khuyết tật phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng. Nhiều người nhờ chương trình này đã có thể đi lại bình thường như người lành lặn khác.
Một cơ sở làm tranh giấy xoắn do người khuyết tật thành lập để giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh.
Hơn 15 năm qua, hội đã hỗ trợ được rất nhiều người khuyết tật vượt qua khó khăn do khiếm khuyết cơ thể để có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng. Nhiều người khuyết tật đã xem hội là mái nhà thứ hai, là nơi để mình có cơ hội bước trên đôi chân của mình. Để làm được điều ấy, ngoài nỗ lực của những con người giàu lòng nhân ái, thiện nguyện làm việc không lương, không quyền thì sự đồng hành của các công ty, xí nghiệp, các tổ chức từ thiện xã hội, của những người đứng đầu các đơn vị, tổ chức là rất quan trọng.
Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, đánh giá cao sự đồng hành của các tập đoàn, công ty, cơ quan, đơn vị, nhất là những nơi đã tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc. “Về mặt quản lý, để một người khuyết tật có thể làm việc cùng một tập thể công nhân lành lặn bình thường khác khó khăn gấp 10 lần so với một người bình thường vừa ra trường nghề. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ và tạo điều kiện để người khuyết tật sau khi học nghề tại hội có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Đây là việc làm cao quý”, bà Hoàng Thị Khánh bày tỏ.
Cả xã hội đang chung tay, dồn sức hỗ trợ, giúp sức cho người khuyết tật. Và việc dạy cho người khuyết tật một nghề theo khả năng thích hợp và tạo việc làm cho họ chính là đã trao “cần câu” để người khuyết tật tự làm chủ cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.
HỒNG HẢI