Nòng cốt của phong trào Hoa vận

Hơn 6 tháng trước, đang ngồi xem lại sổ sách công việc, bà Văn Lệ Di, Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường 4 (quận 5, TPHCM) thấy bà T.N.L. hớt hải chạy đến. Bà L. vừa khóc vừa nhờ bà Di qua nhà xem giúp, hình như anh mình đã mất. Không đắn đo, bà Di xỏ vội đôi dép, tức tốc chạy qua nhà bà L. cách đó tầm 10 căn nhà xem sự tình.

Sát cơ sở, tạo chữ tín với dân

Vào nhà kiểm tra, thấy cơ thể anh bà L. đã lạnh, bà Di gọi thêm vài người hàng xóm sang giúp đỡ. Thấy nhà bà L. neo đơn, chỉ có 2 anh em, bà Di cùng người dân trong khu phố lại chung tay lo hậu sự... Đó là một trong hàng trăm sự việc mà bà Di “xắn tay áo” lao vào lo cho người dân.

Y4c.jpg
Bà Văn Lệ Di (phải) thăm hỏi cuộc sống, công việc của chị Tăng Tố Lan

Từ nhiều năm nay, như đã thành thói quen, trong khu phố 4, ai có việc gì cần trợ sức hay có gì chưa hiểu đều nghĩ đến bà Di, nhất là nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống trong khu phố 4. Gần 10 năm giữ vị trí Bí thư Chi bộ khu phố 4, bà Di dành nhiều thời gian, công sức để gần gũi, sâu sát với người dân.

“Bản thân tôi cũng là người Việt gốc Hoa nên tôi hiểu cuộc sống, phong tục, tập quán cũng như khó khăn bà con gặp phải. Hiểu rồi, thì mình phải có các hoạt động, chương trình phù hợp để chăm lo, hỗ trợ họ. Vì người dân đã đặt niềm tin vào mình, đâu thể để bà con thất vọng”, bà Di chia sẻ.

Thấy nhiều người Việt gốc Hoa không rành tiếng Việt, vậy là ngoài các cuộc họp hàng quý tuyên truyền bằng tiếng Việt, mỗi năm 2 lần, bà Di lại tổ chức tuyên truyền, họp mặt người dân và nói chuyện bằng tiếng Hoa. Những lúc rảnh rỗi, bà lại ghé qua nhà này, tạt vào nhà kia để thăm hỏi cuộc sống, ai có khó khăn gì, bà lại tìm cách trợ giúp. Có lần, biết chị Tăng Tố Lan sống khép kín, ít tham gia phong trào tại khu phố, đang cần chiếc máy may, bà Di giới thiệu chị Lan đến hội phụ nữ xin hỗ trợ và được tặng chiếc máy may mới. Dần dà, trong khu phố có ai gặp khó khăn, bệnh tật đột xuất, người dân lại tìm bà Di thông báo, nhờ trợ giúp. Gia đình bà Di không khá giả gì, nhưng bà luôn có cách này, cách khác để tìm nguồn hỗ trợ. Trong lúc chăm lo, thăm hỏi người dân, bà Di tranh thủ chia sẻ về các chủ trương, chính sách, các hoạt động trong khu phố để người dân nắm bắt.

Chính sự gần gũi, chân thành, luôn chia sẻ với mọi người, bà Di dần xây dựng được lực lượng nòng cốt trong dân. Để rồi khi vận động người dân chung sức thực hiện các công trình dân sinh, hầu hết đều đồng thuận. Năm 2012, để tạo nguồn cho quỹ khuyến học, bà Di vận động người dân nuôi heo đất, bản thân bà cũng nuôi một con heo. Ban đầu chỉ có 9 người tham gia, sau thấy chương trình ý nghĩa, thiết thực, lại được bà Di đến nhà chia sẻ cái hay, cái lợi của việc nuôi heo đất, đến nay, đàn heo đất của người dân trong khu phố đã lên hơn 100 con. Hay như công trình lắp camera an ninh, xây hẻm, làm đường cờ Tổ quốc, lưới chắn rác ở miệng cống… khi bà Di vận động, hầu hết người dân đều đồng thuận, nhiệt tình tham gia.

Cầu nối đến người dân

Còn tại phường 5, quận 10 (TPHCM), hơn 1 năm qua, tổ Phụ nữ Hoa vì cộng đồng đã có nhiều hoạt động chăm lo phụ nữ khó khăn, nhất là người Việt gốc Hoa tại phường. Ngoài các thành viên là phụ nữ người Việt gốc Hoa làm công việc kinh doanh, buôn bán, tổ còn có sự tham gia của Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường 5 (quận 10) Lư Ngọc Linh. Bên cạnh tham gia định hướng cho hoạt động của tổ, bà Ngọc Linh còn là thành viên rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, chăm lo an sinh xã hội, trao tặng học bổng cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn.

Bà Ngọc Linh chia sẻ, vốn là người Việt gốc Hoa nên khi tham gia tổ Phụ nữ Hoa vì cộng đồng, ngoài trợ giúp người khó khăn, kết nối phụ nữ người Việt gốc Hoa kinh doanh, bà có điều kiện gặp gỡ, lắng nghe để nắm thông tin dư luận, tìm hiểu về cuộc sống, những mong mỏi, khó khăn của người dân để từ đó có định hướng phù hợp hơn trong hoạt động tại địa phương.

“Tôi trưởng thành từ công tác Đoàn thanh niên, hội phụ nữ nên đã quen với hoạt động phong trào. Nay giữ cương vị lãnh đạo địa phương, tôi nghĩ mình càng phải sâu sát, gần gũi cơ sở, người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Nhất là tại phường 5, nơi có hơn 47% bà con là người Việt gốc Hoa. Chỉ khi nắm chắc cơ sở, hiểu dân, tôi mới có thể đưa ra các định hướng, chỉ đạo sát với thực tế người dân đang mong mỏi”, bà Ngọc Linh bày tỏ.

Chính nhờ sự sâu sát để có các hoạt động chăm lo phù hợp của Đảng ủy, chính quyền, từ năm 2023, trên địa bàn phường 5 không còn hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn của thành phố. Và từ đầu năm 2024, 5 công trình nâng cấp hẻm theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm đăng ký trong nhiệm kỳ cũng đã hoàn thành từ sự chung sức, đồng thuận của người dân.

Không chỉ có nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người dân, nhiều đảng viên người Việt gốc Hoa tại TPHCM còn là cầu nối để các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người dân, nhất là người Việt gốc Hoa.

Như bà Phương Thục Phân, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 6, phường 10 (quận 5), hơn 20 năm được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, ở vai trò nào bà Thục Phân cũng cố gắng hoàn thành thật tốt. Dù đó là vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm hay chăm lo các hộ gia đình khó khăn, neo đơn đến trao học bổng cho học sinh nghèo, bà đều chăm chút làm một cách tốt nhất. Với lợi thế tiếng Hoa, hiểu phong tục, tập quán của bà con người Việt gốc Hoa, cùng sự nhiệt tình và toàn tâm chăm lo cho mọi người, nên khi bà Thục Phân tuyên truyền chủ trương, chính sách luôn thu hút nhiều người dân địa phương hưởng ứng, tham gia thực hiện.

Tin cùng chuyên mục