Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khó khăn gần như “bủa vây” khắp các mặt hàng nông - thủy sản như lúa, mía, trái cây, tôm, cá tra. Tình trạng tôm chết kéo dài, dịch bệnh gây hại nghiêm trọng trên cây nhãn, cam sành; mưa dầm làm nông dân điêu đứng khi thu hoạch lúa hè thu; nhiều mặt hàng nông sản thiếu đầu ra, được mùa mất giá… là điệp khúc diễn ra thường xuyên, chưa có giải pháp tháo gỡ triệt để.
Đã vậy, trong những ngày qua, tại kỳ họp HĐND các tỉnh, thành, nổi lên vấn đề bức xúc của cử tri trước vấn nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng đang bày bán tràn lan. “Người nông dân cực nhọc bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng tôi không hiểu đạo đức kinh doanh nằm ở đâu, mà người ta bán phân, thuốc giả, kém chất lượng. Ở đây, những nông dân dính phải phân bón, thuốc trừ sâu giả phải chịu thiệt hại kép. Ngoài thiệt hại về kinh tế do năng suất thấp hoặc thiệt hại trắng, môi trường đất nuôi trồng của họ còn bị ảnh hưởng do việc làm giả, kém chất lượng của các sản phẩm này” - TS Trần Khắc Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng phân tích. Điều mà nhiều người quan tâm là tình trạng kinh doanh sản xuất phân bón dễ dãi, kéo dài trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Chỉ cần đầu tư vài chục triệu đồng, với cuốc, xẻng trộn là cho ra đời phân bón! Hiện cả nước có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất trên 6.000 loại phân bón và hơn 3.700 loại thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân, mỗi năm các lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1.000 vụ sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Chỉ tính riêng phân bón giả và kém chất lượng đã gây thiệt hại cho nền nông nghiệp khoảng 800 triệu USD. Cuộc sống của khoảng 15 triệu hộ nông dân Việt Nam luôn bị rình rập bởi hiểm họa phân bón giả, kém chất lượng.
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan là vấn đề nhức nhối lâu nay đè lên lưng người nông dân. Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, quy trách nhiệm: “Phân bón giả phát hiện ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Không để xảy ra trường hợp, một cơ sở sản xuất phân bón giả nằm ngay trên địa bàn anh mà anh không biết”. Vì sao tình trạng phân bón giả, kém chất lượng cứ tồn tại dai dẳng?
Các chuyên gia nông nghiệp giải thích, do hình thức chế tài, xử phạt chưa đủ răn đe và có thể có tiêu cực trong chuyện này. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương triển khai Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón do Thủ tướng Chính phủ ký. Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã siết chặt các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; quản lý chất lượng, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, đặt tên phân bón; trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón. Trong kỳ họp HĐND tỉnh Hậu Giang mới đây, ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã đưa ra lời kêu gọi: “Nhân dân ta, nhất là nông dân, còn rất nhiều khó khăn.
Nếu các đại lý, cửa hàng, các chủ doanh nghiệp, vì muốn kinh doanh có lời nhiều, muốn bản thân mình giàu có hơn, mà cố tình lừa dối đồng bào mình, thì đó là việc làm không thể dung thứ được, cả về pháp lý và đạo lý. Tôi kêu gọi các cơ sở sản xuất, đại lý, cửa hàng, các chủ doanh nghiệp, vì lương tâm, đạo đức và vì sự phát triển chung của quốc gia, của quê hương, của đồng bào, hãy từ bỏ việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hãy nói không với việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hãy mạnh dạn thông báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương biết những đầu mối, địa chỉ cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng”!
Có thể nói, Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã “trao thanh kiếm” để các cơ quan chức năng mạnh dạn “xử trảm” vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng làm điêu đứng hàng ngàn nông dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp, công an phải vào cuộc mạnh mẽ, xử lý có trách nhiệm và thật kiên quyết tình trạng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng thì mới ngăn chặn được hiểm họa này.
Khi nông dân đang hứng chịu nhiều rủi ro, rất cần đến sự sát cánh, tận tâm của lực lượng chức năng, từ quản lý đầu vào đến tìm đầu ra cho nông sản, để giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại, lợi nhuận đạt ngày càng cao hơn; tạo điều kiện để nông dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
CAO PHONG