Nông dân cùng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn

Nông dân cùng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn

Thời gian qua, ở vùng nông thôn ngoại thành TPHCM, dù trong cơn sốt đất, nông dân vẫn đóng góp hàng trăm hécta đất để xây dựng đường, đê bao, trường học, cầu nông thôn… Đó là công lao to lớn của nông dân ngoại thành và vùng ven TPHCM trong phong trào xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn.

Ông Nguyễn Đình Bảng ở phường 6 quận 8 dẫn chúng tôi đi xem cánh đồng trồng rau và cánh đồng nuôi cá kiểng, cá giống của quận 8 và cho biết: “Hai con đê bao hàng cây số để ngăn mặn và triều cường xâm nhập trên cánh đồng hàng chục hécta trồng rau các loại và những dãy ao nuôi cá này đều do nông dân bỏ công sức, đóng góp tiền của và đất đai để xây dựng”.

Nông dân cùng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ảnh 1

Đường nông thôn nội đồng ở xã Phước Vĩnh An huyện Củ Chi được nông dân đóng góp đất và tiền để xây dựng. Ảnh: Quang Đạt

Tại quận 9 và quận 12, nhiều ngôi trường mới được mọc lên trên những mảnh vườn, thửa ruộng của nông dân. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân quận 9, trong năm qua, phong trào hiến đất xây trường học được nông dân nhiệt tình hưởng ứng, điển hình là gia đình ông Tạ Công (ở ấp Phước Thiện, phường Phước Long B), bà Nguyễn Thị Xuân (ở ấp cù lao, phường Long Trường).

Tại quận 12 có gia đình ông Võ Văn Măng (ở phường Đông Hưng Thuận) hiến gần 2.000m2 để xây trường tiểu học, bà Nguyễn Thị Mướt (ở phường Tân Chánh Hiệp) hiến hơn 1.500m2 xây trường mẫu giáo, ông Phạm Văn Phướng (ở phường Thới An) hiến 500m2 xây trường tiểu học…

Những nông dân chân chất này đều cho rằng: “Đất của ông bà để lại, nếu bán thì bao nhiêu tiền cũng ăn hết, chi bằng quyên góp, giúp đỡ cho các em cháu trong xóm làng có ngôi trường để học hành được đàng hoàng. Tiền bạc bao nhiêu cũng hết, còn ngôi trường cho bọn trẻ sẽ được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác…”.

Tại huyện Bình Chánh và Nhàø Bè, phong trào nông dân hiến đất và xóa cầu khỉ khá phổ biến. Do địa bàn trũng thấp và nhiều kênh rạch, nên việc đi lại của người dân ở các xã vùng sâu ở ngoại thành rất khó khăn. Hội Nông dân huyện đứng ra vận động nông dân cùng chung sức xóa cây cầu khỉ, cầu ván để con em họ có thể đi lại được dễ dàng.

Những năm qua, nông dân các xã Bình Lợi, Quy Đức, Tân Nhựt, Phong Phú (huyện Bình Chánh) và các xã Long Thới, Hiệp Phước, Nhơn Đức, Phước Lộc… (huyện Nhà Bè) đã xóa trên 190 cây cầu khỉ, thay bằng cầu bê tông. Ông Nguyễn Văn Thăng ở ấp 1 xã Nhơn Đức cho biết: “Lúc chưa có cây cầu bê tông này, cả xóm với hàng chục hộ dân, không ai có chiếc xe gắn máy, chỉ có xe đạp… Vì vậy khi có chuyện gì gấp gáp đi đâu cũng bất tiện… Có cầu rồi cả xóm mua xe máy, đi lại nhanh chóng, thuận lợi. Mùa mưa gió các cháu đi học qua cầu cũng yên tâm”.

Cầu bê tông giúp nối những “ốc đảo” với thế giới bên ngoài, là niềm vui lớn của người dân nông thôn khi họ cùng chung lưng với Đảng và Nhà nước để xây dựng bộ mặt nông thôn mới, bằng công sức, của cải của chính mình. 

QUANG ĐẠT

Tin cùng chuyên mục