Theo số liệu kiểm tra, 12/13 tỉnh - thành vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 25.700 ha lúa bị nhiễm rầy nâu (giảm hơn tuần rồi trên 8.000 ha) trong tổng số 1,464 triệu ha lúa hè thu. Diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lên đến 25.850 ha, trong đó diện tích bị nhiễm nặng (trên 30%) cần phải tiêu hủy trên 19.000 ha. Đây là bệnh do virus, do rầy nâu mang mầm bệnh lây lan, chưa có thuốc điều trị được.
Vì vậy cuộc họp chiều 19-7 tại TPHCM giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngành nông nghiệp 13 tỉnh - thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bàn các giải pháp không để tình hình trở nên quá phức tạp, có thể ảnh hưởng không tốt đến năng suất, sản lượng lúa và tiến độ xuất khẩu gạo; đồng thời tìm mọi cách hạn chế không để lây sang vụ đông xuân 2006-2007 - vụ sản xuất quan trọng nhất của ĐBSCL.
Theo Cục phó Cục Trồng trọt Nguyễn Văn Hòa, đợt kiểm tra này cho thấy, nhiều giống lúa tương đối kháng rầy nâu (nhiễm ít) nay đã bị nhiễm khá nặng dù đã áp dụng nhiều biện pháp. Vì vậy phải tập trung xử lý diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu bằng các loại thuốc đặc trị. Riêng đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, giải pháp duy nhất là khuyến cáo người dân tiêu hủy để tránh lây lan.
Nhưng trở ngại là do nông dân đã tốn nhiều chi phí để xuống giống, chăm sóc và phun thuốc nên dù diện tích bị nhiễm 2 bệnh này lên đến trên 50%, đa số người dân vẫn muốn tiếp tục giữ lại để “gỡ gạc” phần nào. Trên thực tế, nếu bán phần lúa bị bệnh đó cho người nuôi vịt chạy đồng thì có thể thu được nhiều hơn nhận tiền hỗ trợ. Vì vậy, cho đến nay mới chỉ có 950 ha lúa bị nhiễm được tiêu hủy.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết, chính sách hỗ trợ cho bà con trồng lúa bị nhiễm hai bệnh này là đúng, nhưng phải đồng bộ, trong đó có hỗ trợ về giống kháng rầy về sau.
Trước đó, tỉnh đã đưa ra mức hỗ trợ ban đầu là 350.000 đồng/ha lúa bị nhiễm các loại bệnh này, nhưng bà con không chịu tiêu hủy, vì bà con lý giải: nếu giữ lại số lúa bị nhiễm này, mỗi 1 công lúa chỉ cần thu hoạch 3 giạ (60 kg) thì 1 ha vẫn còn 30 giạ, đủ để cho gia đình ăn cả vụ đông xuân. Nếu nhận 350.000 đồng thì mua được mấy giạ lúa?
Trước tình huống này, ông Nguyễn Văn Khang thử nêu ra biện pháp hỗ trợ cho bà con, không cần tiêu hủy, nhưng cũng không để bà con gieo sạ ngay sau đó vì sẽ bị nhiễm trở lại, nên khuyến cáo bà con chuyển qua cây trồng khác hoặc ngưng hẳn để cắt vụ. Trước mắt là cần xử lý rầy nâu. Vì chính rầy nâu là vật chủ mang mầm gây bệnh.
Lý giải việc có thể không tiêu hủy, ông Nguyễn Văn Khang cho rằng đến nay vẫn chưa biết rõ cơ chế lây lan của 2 loại virus gây bệnh này trên lúa và trên diện tích lúa bị nhiễm hai bệnh trên không thấy có sự hiện diện của rầy nâu. Tình huống này không giống với dịch cúm gia cầm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng do còn thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp nên bà con chưa hưởng ứng. Ông yêu cầu các địa phương có biện pháp khống chế, không để lây lan. Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Cục Trồng trọt sớm đưa ra chỉ dẫn kỹ thuật đối với từng loại ruộng (đẻ nhánh, trổ đòng…) để có biện pháp phù hợp.
Các địa phương khuyến cáo bà con nên chuyển qua trồng rau màu hoặc nuôi trồng thủy sản. Nếu vẫn trồng lúa phải sử dụng giống kháng. Nhà nước sẽ hỗ trợ thuốc, những nơi có ổ dịch vàng lùn hoặc lùn xoắn lúa nên tiêu hủy (đối với lúa non), nhà nước hỗ trợ 750.000 đồng đến 800.000 đồng/ha. Gia đình trong diện khó khăn được hỗ trợ 10kg gạo/tháng/hộ, hộ vay vốn ngân hàng xem xét miễn giảm. Nhưng biện pháp lâu dài là cơ cấu lại mùa vụ, chỉ trồng 2 vụ lúa để cắt vụ hoặc chuyển qua cây màu.
ĐÔNG NGHI
- Cục Trồng trọt yêu cầu mỗi địa phương tùy thuộc vào tình hình cụ thể để xây dựng cơ cấu giống với 4-5 giống chủ lực, 3-4 giống bổ sung và 4-5 giống sản xuất thử. Trong đó, giống vẫn giữ vai trò chủ lực vụ đông xuân 20060-2007 là IR 64, VND 95-20, AS 996, OMCS 2000, IR 50404, OM 2517, OM 4498 VÀ OM 2395. Có thể xem xét mở rộng dần diện tích sản xuất các giống lúa khảo nghiệm mới có mức kháng đạo ôn và rầy nâu khá tốt hoặc chấp nhận được: MTL 645, MTL 385, OM 5930, OM 4900, OM 5932, OM 5796, OM 5637, IR 59656-5K-2. |