
Chưa khi nào người dân trồng đay vùng Đồng Tháp Mười (Long An) điêu đứng như hiện nay. Hàng ngàn hécta đay (bô) nguyên liệu thu hoạch gần xong nhưng giá thấp và khó tiêu thụ. Trong khi đó, dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, nguồn nước ô nhiễm đen ngòm vì… cây đay.
Giá đay giảm mạnh trong mùa thu hoạch

Đay thu hoạch xong vẫn còn nằm đầy đồng... Ảnh: H.P.L
3 huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa và Tân Thạnh là nơi trồng đay tươi (nguyên liệu làm bột giấy) chủ lực ở Long An. Hiện nay, thu hoạch gần xong nhưng người dân không vui vì giá đay thấp và khó bán.
Ông Trần Văn Ký, nông dân xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, lo lắng: “25 công đay vừa thu hoạch xong, nhưng nhà máy chỉ mua 250 đồng/kg đay tươi kèm theo điều kiện chở đến chỗ.
Giá thấp và vận chuyển xa, tính ra không lời”. Kéo chúng tôi ra cánh đồng đay bạt ngàn, ông Hà Văn Sinh nói: “Nghe chính quyền vận động, gia đình tôi và nhiều hộ khác đổ hết vốn liếng vào trồng đay. Bây giờ tới ngày thu hoạch, nhà máy mua rẻ bèo lại còn bắt bẻ đủ thứ về quy cách, chất lượng, độ ẩm… Kiểu này, nông dân chết chắc”. Xã Thạnh Phú có 800 ha đay, tăng khoảng 400 ha so năm ngoái.
Đến chiều 11-9, bà con thu hoạch được 720 ha, số còn lại sẽ đốn xong trong vài ngày tới. Anh Đặng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, lo lắng: “Hiện nay, nước lũ tràn về ngập ruộng khiến cây đay ra nhớt không thể bán tươi được, nên đành đem ngâm để tuốt sợi”. Theo Phòng Kinh tế huyện Thạnh Hóa, toàn huyện có 4.886 ha đay (tăng 3.000 ha so năm ngoái); đến nay thu hoạch gần 4.593 ha. Tuy nhiên, bà con bán cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam rất ít vì giá thu mua rất thấp.
Tại huyện Mộc Hóa, tình hình cũng tương tự. 3.750 ha đay đã đốn gần xong, trong đó đay sợi năng suất 2 tấn/ha, còn đay tươi khoảng 30 tấn/ha; thấp hơn năm ngoái do ảnh hưởng thời tiết. Anh Phan Văn Dững, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mộc Hóa, phân tích: “Đay thất mùa, giá vật tư, công lao động, vận chuyển… đều tăng cao, chi phí đầu tư lên tới 7-8 triệu đồng/ha. Thế nhưng, nhà máy chỉ mua 250 đồng/kg và bắt dân vận chuyển xa hàng chục cây số, tính ra chẳng còn gì?”.
Đã có hướng ra?
Theo chính quyền địa phương và nhiều hộ trồng đay, năm ngoái dân Long An chỉ trồng khoảng 3.100 ha đay, nhưng năm nay tăng lên tới 8.800 ha. Sở dĩ diện tích tăng đột biến như vậy là do tỉnh chủ trương khuyến khích trồng đay để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Theo kế hoạch, Nhà máy Bột giấy Phương Nam xây dựng tại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, dự kiến, đưa vào hoạt động khoảng tháng 11-2007. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tới giờ này nhà máy vẫn còn ngổn ngang. Theo ban quản lý dự án, đến tháng 6-2008, nhà máy mới có thể chạy được. Tuy nhiên, do đã… lỡ hợp đồng mua khoảng 1.000 ha đay của bà con nên hiện nay nhà máy cũng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Vấn đề đặt ra là vì sao sang năm nhà máy mới vận hành, nhưng tỉnh Long An lại vội vàng khuyến khích mở rộng diện tích đay, để rồi người dân phập phồng sợ lỗ (!?). Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thừa nhận: “Đây là năm đầu tiên tỉnh khuyến khích người dân vùng Đồng Tháp Mười trồng đay cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam, nhưng thực tế diễn ra không như ý muốn. Tiến độ xây dựng nhà máy chậm rất khó hiểu và họ thu mua giá thấp nên dân không bán được. Nếu dân lỗ vốn thì tỉnh bị kẹt vì tỉnh khuyến khích dân trồng đay?”.
Do không bán đay tươi cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam vì giá thấp, nên người dân chuyển sang ngâm nước để bán đay sợi cho các nhà máy sản xuất bao bố, bao bì… ở TPHCM và Hà Nội. Thời điểm này các năm trước thương lái mua đay sợi 5.000-6.000 đồng/kg cung cấp cho nhà máy sản xuất bao, thì hiện nay chưa thấy ai tới hỏi mua và giá bao nhiêu chẳng biết?
Vấn đề phát sinh hiện nay là việc ngâm đay tràn lan đã dẫn tới ô nhiễm nguồn nước tại các sông, rạch ở Thạnh Hóa, Mộc Hóa... Anh Phan Văn Dững, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mộc Hóa, thừa nhận: Nước sông đen ngòm không thể sử dụng được, ngứa ngáy rất khó chịu; thậm chí nuôi thủy sản cũng ảnh hưởng. Chúng tôi lo lắng tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng nhưng chưa biết khắc phục cách nào.
Chiều 11-9, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thông báo nhanh với PV Báo SGGP: “Lãnh đạo tỉnh vừa làm việc với Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Dự kiến, nhà máy sẽ nâng giá thu mua đay tươi từ 250 đồng lên 280 đồng/kg và cố gắng mua hết đay sợi cho bà con với giá khoảng 4.000 đồng/kg”. Với giá này, hy vọng “cứu” hàng ngàn hộ dân trồng đay ở Long An không bị lỗ!
Thực tế này một lần nữa cho thấy, việc quy hoạch vùng nguyên liệu với thu mua, chế biến… vẫn ngổn ngang, chưa gặp nhau. Sản xuất nông nghiệp còn tồn tại yếu kém “trồng ào ạt theo phong trào nhưng hổng biết bán cho ai, ở đâu…?”. Như vậy biết bao giờ nông dân mới giàu. Nhược điểm này tại nông dân hay nhà quản lý?
Theo UBND tỉnh Long An, dự kiến ban đầu quy hoạch từ 14.000-15.000 ha đay, mới đủ cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam hoạt động. Nhưng ngay vụ đầu tiên trồng 8.800 ha đã xảy ra trục trặc. Nếu dân trồng đay bị lỗ thì sang năm tỉnh không dám phát động trồng đay nữa. Một khi dân bỏ cây đay để trồng lúa, lúc ấy nhà máy bột giấy trị giá hàng ngàn tỷ đồng xây dựng xong chẳng biết lấy nguyên liệu đâu để chạy? |
HUỲNH PHƯỚC LỢI