Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có diện tích sản xuất hành tím lớn nhất ĐBSCL, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước cả trăm ngàn tấn. Vụ hành năm nay do có mưa trái mùa, hành bị thối, sâu rầy nhiều nên năng suất không cao, bình quân chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/công.
Trước Tết Nguyên đán 2012, giá giảm còn 6.000 đồng/kg và nay chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, giảm gấp 6 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Nếu bán với giá 2.500 đồng/kg thì bình quân nông dân thu chưa tới 5 triệu đồng/công, lỗ từ 5 - 10 triệu đồng/công.
Tại Cà Mau, thành công những vụ trước tạo đà để nhà nông huyện Thới Bình mở rộng diện tích trồng gừng. Vụ gừng năm 2012 chi phí đầu tư nhiều hơn năm trước do giá gừng giống và nhân công, phân bón tăng cao nhưng bà con thu hoạch năng suất chỉ đạt khoảng 6 tấn/công thay vì 9 - 10 tấn như vụ trước. Người trồng gừng nơi đây càng thê thảm hơn khi đến vụ thu hoạch rộ vào giữa tháng 3 vừa qua, giá gừng chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/10 mức giá so với cùng kỳ năm 2011.
S.HỶ - X.HẠ
ĐBSCL: Giá tràm tăng lên 80 - 90 triệu đồng/ha
Chiều 24-3, ông Võ Văn Lặn, hộ trồng tràm lâu năm ở xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa (Long An) cho biết, nhiều thương lái ở các tỉnh ĐBSCL đang tranh nhau mua tràm nguyên liệu, đẩy giá tràm tăng chóng mặt. Hiện tại, tràm loại 1 khoảng 7 năm tuổi được thương lái mua với giá 80 - 90 triệu đồng/ha; tràm loại 2 từ 50 - 60 triệu đồng/ha… Đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 6 năm qua. Với giá này sau khi trừ chi phí, nông dân trồng tràm còn lời từ 30 - 50 triệu đồng/ha.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết tràm tăng giá trở lại là tín hiệu vui để tỉnh khôi phục lại rừng tràm từ 34.000ha hiện nay lên hơn 38.000ha. Cùng với việc tiêu thụ cây tràm bên ngoài thì Long An khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy ván ép, gắn với việc phát triển vùng chuyên canh tràm nguyên liệu có đầu tư và bao tiêu đầu ra cho nông dân.
N.DUY