
Năm 2004, cả doanh nghiệp (DN) chế biến và người trồng điều đều lãi to do giá điều nhân trên thế giới tăng giá đột biến, trên 6 USD/kg. Nhưng từ giữa năm 2005 trở lại đây, khi giá điều nhân thế giới xuống thấp dần, nhiều DN bị lỗ nặng do giá xuất thấp mà giá mua nguyên liệu (điều thô) trong nước quá cao, có lúc lên đến 15.000-16.000 đồng/kg.

4 tháng đầu năm 2006, tình hình trở nên tệ hại hơn khi giá điều nhân tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi, chỉ còn bình quân hơn 3 USD/ kg. Theo ông Nguyễn Văn Lãng, Tổng thư ký Hiệp hội Cây điều VN (Vinacas), khoảng chục nhà nhập khẩu nước ngoài “xù” khi đã ký hợp đồng, nhưng lại không mở L/C, do lúc ký giá cao, nay giá xuống thấp. Vì vậy, DN nào vì đã ký hợp đồng mà phải tranh mua nguyên liệu với giá cao nay không xuất được sẽ rơi vào tình trạng khốn đốn.
Hiện nay Hiệp hội đang thụ lý cả chục trường hợp nhà nhập khẩu “xù” hợp đồng, nhưng xem ra việc kiện tụng này ngoài việc gây thêm tốn kém sẽ chẳng mang lại kết quả gì bởi trước đây, năm 2004, khi giá điều nhân tăng cao, không ít DN trong nước cũng đã “xù” hợp đồng với nhà nhập khẩu nào ký giá thấp để bán lại cho khách hàng mới mua giá cao.
Với người trồng điều, cuộc sống vẫn lao đao vì mấy vụ trước được mùa được giá, nay vừa mất mùa lại mất giá. Hiện nay, các DN đã mua và nhập kho khoảng 200.000 tấn điều thô và chỉ còn khoảng 50.000 tấn điều thô trong dân. Như vậy, mùa vụ này thất bát gần 100.000 tấn (năm 2005 là 350.000 tấn). Thiếu hụt là vậy, Vinacas nhóm họp để dự trù nhập khẩu điều nguyên liệu về chế biến, nhưng không phải DN nào cũng mặn mà. Trong khi đó tình hình gian lận thương mại diễn ra hết sức gay gắt.
Theo bà Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ, nếu trước đây chỉ có hiện tượng pha tạp chất vào điều thô để nâng trọng lượng, giờ đây, ngay cả điều lép (không chìm trong nước) cũng đã bị thương lái sử dụng hóa chất (lưu huỳnh, hàn the, cả muối…) để làm cho hạt điều lép chìm xuống nước để đánh lừa người mua. Việc này không chỉ làm cho DN và người trồng điều thêm khó khăn mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín điều nhân Việt Nam trên thị trường thế giới.
CÔNG PHIÊN