Nông dân trồng đậu nành đạt hơn 3 tấn/ha

Ngày 8-4, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) tổ chức “Hội thảo đầu vụ chương trình liên kết sản xuất đậu nành tại Cư Jut năm 2023” tại Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên (xã Đăk D’rong, huyện Cư Jut, Đăk Nông) nhằm triển khai kế hoạch vụ mới cho HTX sản xuất đậu nành Nam Dong.

Tại hội thảo, Trung tâm VSAC hướng dẫn phương pháp ủ phân hữu cơ từ xác bã cây đậu nành, đậu phộng để làm phân hữu cơ vi sinh dễ áp dụng ở quy mô nông hộ. Đặc biệt, Công ty sữa Đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã trao tặng chứng nhận thành viên Câu lạc bộ 3 tấn/ha cho những nông dân có diện tích sản xuất ổn định, năng suất thực thu đạt từ 3 tấn/ha.

Những nông dân vinh dự nhận chứng nhận thành viên gồm ông Phạm Văn Duẩn (3,52 tấn/ha), ông Đặng Quang Chiều, ông Nguyễn Văn Khanh, ông Hồ Văn Diễm (3,2 tấn/ha), ông Phạm Văn Giang, ông Phạm Văn Đông, bà Cao Thị Huệ, ông Nguyễn Văn Thân và bà Cao Thị Hoa.

Nhờ sử dụng nguồn giống mới, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật do Trung tâm VSAC chuyển giao mà nông dân trồng đạt được năng suất cao.

Nguồn giống đậu nành không biến đổi gen VINASOY 02-NS do Trung tâm VSAC nghiên cứu chọn tạo thành công cho năng suất, chất lượng vượt trội. Giống này đã được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại 4 vùng nguyên liệu của Vinasoy: Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu 2 - 3 tỉ USD hạt đậu nành để vừa phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm và chăn nuôi. Tuy nhiên, diện tích và năng suất trồng đậu nành đang giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 40.000 ha với năng suất khoảng 1,6 tấn/ha. Để phát triển được cây đậu nành cần chọn tạo giống mới có năng suất cao, hàm lượng đạm trong hạt cao, có khả năng chín đồng loạt để dễ thu hoạch và áp dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó còn phải có đầu ra ổn định để bản thân cây đậu nành có thể cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các loại cây trồng khác.

Tin cùng chuyên mục