Nông dân trực tiếp xúc tiến sản phẩm

Để tạo độ tin cậy cho sản phẩm, nhiều cửa hàng, nông dân đã trực tiếp gặp gỡ khách hàng, giới thiệu cách trồng trọt, chăn nuôi như thế nào để có được sản phẩm đạt chất lượng. Với cách PR này, sản phẩm đã tạo được ấn tượng tốt cho người tiêu dùng và trở thành một kênh tiếp thị sản phẩm hiệu quả.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ Organica đã triển khai chuỗi chương trình gặp gỡ nông dân tại cửa hàng. Đại diện Organica chia sẻ, cửa hàng lần lượt mời nông dân đang sản xuất các sản phẩm được bày bán tại Organica trả lời trực tiếp những câu hỏi của khách hàng. Tại đây, khách hàng sẽ được lắng nghe “hành trình” để làm ra những ngọn rau, hạt lúa, con cá, con tôm, quả cam, quả chuối… do nông dân trực tiếp kể lại. Đơn cử, câu chuyện của nông dân Trần Thị Tuyến, Bùi Thái Sơn đã đưa ra hình ảnh, clip về cách làm rất quy chuẩn để ra được sản phẩm đạt chất lượng an toàn, sản xuất hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất cấm. Để làm được điều này, nông dân mất nhiều thời gian để cải tạo đất, thậm chí có người phải thế chấp tài sản để theo đuổi sản phẩm xanh. 

Nhiều nông dân cũng thành công khi tham gia hội chợ và đích thân đến giới thiệu sản phẩm. Tại Chợ phiên nông sản an toàn của TPHCM, người trực tiếp sản xuất đã giới thiệu quy trình để ra sản phẩm và minh chứng cho khách hàng bằng những đoạn clip quay lại từ điện thoại di động. Tuy nhiên, chợ phiên chỉ bán vào cuối tuần, nên nông dân chủ động cung cấp số điện thoại để khách hàng có thể tìm mua sản phẩm bất cứ lúc nào. 

Tại một hội nghị nông nghiệp, đại diện một doanh nghiệp vừa giới thiệu sản phẩm tại gian hàng quảng cáo vừa chia sẻ: “Nếu sản phẩm mới ra thị trường, chưa có thương hiệu, không thể giao toàn bộ cho nhân viên đi giới thiệu, mà phải là đích thân người làm ra sản phẩm hoặc giám đốc. Bởi, nhân viên không phải người trực tiếp làm ra sản phẩm nên không thể giải đáp sinh động, cặn kẽ những thắc mắc của khách hàng”. Đại diện một hệ thống siêu thị cũng cho biết, trước nay nhiều công ty cử nhân viên đến siêu thị để giao sản phẩm, mỗi khi siêu thị đưa ra yêu cầu, câu hỏi thì nhân viên chỉ ghi lại và cho biết sẽ truyền đạt ý kiến đến ban giám đốc, nhưng thường không trả lời lại. Chưa kể, nhiều nhân viên còn thông qua đội ngũ “cò” để điền thông tin hồ sơ, khi siêu thị hỏi lại thì không biết... Chính thực tế này đã góp phần truyền cảm hứng cho sự ra đời của “kênh” xúc tiến sản phẩm một cách trực quan từ người trực tiếp sản xuất và cách làm này đang dần lan tỏa. Tất nhiên, nó chỉ có thể phát huy hiệu quả một cách bền vững khi sản phẩm thực sự được sản xuất an toàn, chất lượng và xuất phát từ cái tâm, trách nhiệm của nhà sản xuất.

Tin cùng chuyên mục