Từ nhiều năm nay, nông nghiệp Việt Nam vẫn tự hào là “sân sau” - hậu phương vững chắc của nền kinh tế khi sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái. Thế nhưng những dấu hiệu chững lại của một nền nông nghiệp đang rõ dần khi nhiều chuyên gia cho rằng với phương thức sản xuất và mức đầu tư như hiện nay, năng suất của nhiều nông sản không thể gia tăng thêm nữa.
Đặc biệt là kể từ đầu năm 2015 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã sụt giảm sâu với cả những mặt hàng chủ lực - giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có những mặt hàng chiến lược như lúa gạo giảm tới 28,1%, cà phê giảm trên 40%, thủy sản giảm trên 20%... Phía Bộ Công thương cho rằng, xu hướng chung của các nước nhập khẩu là giảm phụ thuộc nhập khẩu, tăng cường sản xuất tự túc trong nước là điều rất đáng lo ngại.
Trong khi các mặt hàng như lúa gạo, cà phê, cao su… bế tắc đầu ra, thậm chí phải xuất khẩu bằng tiểu ngạch thì ở trong nước, tình trạng trái cây, rau quả dư thừa, giá rẻ như cho, nông dân than vãn, phải kêu gọi các doanh nghiệp vào đỡ đầu, “giải cứu” - thậm chí hội đoàn cũng tổ chức tiêu thụ giúp bà con nông dân theo kiểu “hành tình nghĩa”, “dưa cứu trợ”, “giải cứu ổi”… cho thấy một nền nông nghiệp có nhiều bất ổn.
Sau dưa, hành tím hiện lại đang tới xoài, vải thiều, khoai lang có nguy cơ dội chợ, doanh nghiệp vẫn chưa ngó ngàng, thậm chí còn bị xoài, vải Trung Quốc tràn ngược sang thị trường nội địa. Thật không thể chấp nhận được khi mà câu chuyện nông sản được mùa rớt giá cứ mãi vẫn là câu chuyện nóng hổi. Từ những năm 1995 - 2000 dư luận báo chí đã đưa tin cảnh nông dân trồng vải Bắc Giang phải bán vải rẻ như bèo. Nhưng sau 15 - 20 năm, vẫn vậy! Phải chăng một ngành nông nghiệp lạc hậu không còn đáng tin cậy nữa, mặc dù chúng ta vẫn luôn tự an ủi rằng Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo đứng nhất nhì thế giới.
Thực ra, nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa cũng đúng, vấn đề là để khai thác được các dư địa biến thành giá trị kinh tế thì phải thực sự đầu tư chất xám để tăng giá trị gia tăng, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn và chế biến chuyên sâu gắn liền mật thiết với yêu cầu bảo đảm xây dựng thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm và nghiên cứu, dự báo thị trường. Nhưng trước khi thực hiện được các mục tiêu này thì đòi hỏi phải có quy hoạch vùng nông sản, quy hoạch sản lượng và diện tích, quy hoạch hệ thống cơ sở chế biến, mạng lưới doanh nghiệp - thương lái tham gia tiêu thụ và xuất khẩu. Bài toán quy hoạch là nền tảng để xây dựng thương hiệu, điều tiết cung cầu, bảo đảm cân nhắc đúng về giá thành và giá bán.
Trên thực tế, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khá nhiều quy hoạch về nông lâm thủy sản. Tuy nhiên sự phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương lẫn chính quyền các địa phương chưa chặt chẽ, đặc biệt là vai trò chưa rõ ràng quyết liệt của các chính quyền địa phương trong việc định hướng và kiểm soát hoạt động sản xuất của bà con nông dân cũng như doanh nghiệp. Từ đó, dẫn tới tình trạng bà con đua nhau phá vỡ quy hoạch, chạy theo những cây - con có giá trị cao nhưng lại chỉ có tính chất nhất thời, không bền vững, dẫn tới tình trạng “trồng chặt” quay như đèn cù, liên tục “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Hầu như các mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao thì hiện đều trong tình trạng phá vỡ quy hoạch. Từ cà phê, cao su cho tới gần đây là thứ cây của người nghèo, được coi là không giá trị như khoai mì, khoai lang cũng đang được trồng phá vỡ quy hoạch tại Tây Nguyên và ĐBSCL. Sau khi Trung Quốc ồ ạt thu mua khoai mì để làm nhiên liệu sinh học, trong khi khoảng 5 năm trước, hàng liên tục bị ách tắc tại cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh). Số liệu cho thấy, tại Đắk Lắk chỉ cho phép trồng 15.000ha hiện đã lên 35.000ha. Tại tỉnh Kon Tum quy hoạch là 28.000ha nhưng diện tích thực đã lên 34.000ha. Còn theo Bộ NN-PTNT, hiện diện tích cà phê đã vượt quy hoạch hơn 100.000ha, cao su vượt hơn 200.000ha. Nhiều loại nông sản, nguồn cung và sản lượng đã tăng hơn 40% so với trước.
Trong văn bản mới đây nhất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương… phải tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản. Các giải pháp được kỳ vọng từ Chính phủ như yêu cầu Bộ NN-PTNT rà soát, dỡ bỏ các quy định không hợp lệ về kiểm dịch, chỉ xem xét những loại thủ tục khi nước nhập khẩu có yêu cầu; Bộ GTVT cho phương tiện xe cơ giới quá tải vận chuyển hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu, xem lại giá cước vận tải của các hãng tàu biển. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kiến nghị về gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản.
VĂN PHÚC HẬU