“Nóng” sáp nhập ngân hàng

Chương trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm là hệ thống ngân hàng đã được khởi động từ năm 2011. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù đã đạt một số kết quả nhất định nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Trước sức ép giảm tỷ lệ sở hữu chéo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 36/2014, làn sóng sáp nhập trong ngành ngân hàng (NH) trong thời gian tới sẽ “nóng” lên.
“Nóng” sáp nhập ngân hàng

Chương trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó trọng tâm là hệ thống ngân hàng đã được khởi động từ năm 2011. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù đã đạt một số kết quả nhất định nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Trước sức ép giảm tỷ lệ sở hữu chéo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 36/2014, làn sóng sáp nhập trong ngành ngân hàng (NH) trong thời gian tới sẽ “nóng” lên.

Thương vụ sáp nhập Maritime Bank và MDB dự kiến được thực hiện trong năm 2015. Trong ảnh: giao dịch tại Maritime Bank. Ảnh: Huy Anh

Quyết liệt hơn

Phải nhìn nhận rằng, chương trình cơ cấu lại hệ thống TCTD đã được NHNN triển khai mạnh mẽ và có kết quả hơn hẳn so với hai chương trình cơ cấu còn lại là khu vực DN nhà nước và đầu tư công. Theo số liệu từ NHNN, tính đến 31-10-2014, tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đạt 2.624.167 tỷ đồng, tăng hơn 160% tỷ đồng (6,5%) so với năm 2013. Trong khi đó, tổng tài sản của khối NHTM Nhà nước giảm gần 6.500 tỷ đồng, xuống còn 2.172.017 tỷ đồng; tổng tài sản của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài giảm 7.331 tỷ đồng, còn 691.112 tỷ đồng. Vốn tự có của toàn hệ thống NH tăng hơn 497.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của khối NHTM cổ phần tăng 203.210 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 108.210 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống đạt 13,22%, cao hơn nhiều mức cho phép là 9%, trong đó CAR của nhóm công ty tài chính và TCTD đạt hơn 30%; CAR của nhóm NHTM cổ phần là 12,27% và nhóm NHTM Nhà nước 9,89%. Những con số trên thể hiện kết quả đáng ghi nhận của quá trình cơ cấu lại hệ thống NHTM nói riêng và hệ thống TCTD nói chung trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2011, trường hợp ba NHTM cổ phần đầu tiên hợp nhất thành NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB) đã tạo niềm tin và hy vọng lớn vào chương trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Và tiếp đến là xử lý 6 NHTM cổ phần yếu kém còn lại (trong danh sách 9 NHTM cần cơ cấu sắp xếp lại). Tuy nhiên, trong năm 2012 khi thị trường tiền tệ ngân hàng liên tiếp bị tác động bởi các sự vụ liên quan đến một số NHTM như ACB, Sacombank… thì có thêm trường hợp Habubank sáp nhập vào NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội thành SHB. Đặc biệt trong năm 2014, hầu như không có chuyển động nào đáng kể.

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, từ năm 2015, hệ thống ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn hai của tái cơ cấu, trong đó, nửa đầu năm được xác định là cao điểm. Thông điệp từ lãnh đạo NHNN cũng nhấn mạnh, trong năm 2015, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra quyết liệt hơn và cơ quan này đã đề ra mục tiêu kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, hệ thống NHTM sẽ thu gọn, ngân hàng nào đủ tiềm lực tài chính vững mạnh mới có thể tồn tại trước sức ép cạnh tranh rất lớn. Chính vì thế, tăng vốn là một trong những giải pháp đảm bảo sự cạnh tranh của các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.

Từ cuối năm 2014 đến nửa đầu tháng 1-2015, đã có 4 NHTM được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ là NamA Bank, tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng; OCB tăng từ 3.234 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, SCB tăng từ khoảng hơn 12.000 tỷ đồng lên 14.294 tỷ đồng; MB cũng nâng vốn lên gần 11.600 tỷ đồng. Hiện 4 ngân hàng trên là số ít trong các ngân hàng có thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn vì rất nhiều ngân hàng đã lỗi hẹn tăng vốn trong năm 2014.

Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, việc tăng vốn với ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ không đơn giản vì rất khó thu hút các nhà đầu tư. Do đó, không ít ngân hàng nhỏ phải chọn hình thức sáp nhập bắt buộc thay vì tự nguyện vào các ngân hàng lớn.

Ngân hàng lớn nhập cuộc

 

* Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:

"Cơ cấu lại hệ thống NH chỉ thành công khi gắn kết với cơ cấu lại từng NHTM từ cơ cấu lại vốn điều lệ đến cơ cấu lại tài sản có và tài sản nợ của mỗi NHTM, vì đó vừa là tiền đề vừa là kết quả tất yếu của quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM lành mạnh, an toàn và hiệu quả."

 

Năm 2015 là hạn chót thoái vốn của các tập đoàn, DN nhà nước theo quy định tại Thông tư 36 của NHNN nhằm giảm tỷ lệ sở hữu chéo. Điều này có nghĩa hàng loạt công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính sẽ về với các ngân hàng; cùng với đó, những ngân hàng cũng phải tìm đối tác để “gá nghĩa” với nhau thông qua M&A (mua bán và sáp nhập).

Những thông tin chính thức liên quan đến M&A của các ngân hàng vẫn chưa được công bố chính thức vì lý do nhạy cảm. Tuy nhiên, giới tài chính nhận định, có thể thương vụ M&A đầu tiên trong năm 2015 sẽ là Sacombank - Southernbank hoặc Maritime Bank - MDB vì có dáng dấp của một chủ sở hữu. Việc Thông tư 36 của NHNN chính thức được áp dụng vào đầu tháng 2-2015 nhằm siết lại tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống, nên việc sáp nhập sẽ diễn ra sớm.

Ngoài ba thương vụ M&A được nhắc nhiều trong năm 2014 là Sacombank - SouthernBank, Maritime Bank - MDB và thương vụ bán 100% GPBank cho ngân hàng UOB của Singapore thì thời gian gần đây, hàng loạt thương vụ M&A mới cũng được nhắc đến, trong đó có sự vào cuộc của các NHTM Nhà nước.

Cụ thể, NamA Bank cũng đã đánh tiếng cho biết ngân hàng này đang chuẩn bị sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng sức cạnh tranh trên thị trường sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Nhiều đồn đoán cho biết NamA Bank sẽ “kết duyên” với một ngân hàng nằm trong “tốp 10”.

Vietcombank cũng vừa thông qua chủ trương tìm kiếm và sáp nhập với một NHTM khác tại đại hội cổ đông bất thường mới đây. Chủ trương này được lãnh đạo Vietcombank khẳng định hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện. Hiện nay, đối tượng mà Vietcombank nhận sáp nhập đã gần như được xác định là Saigonbank vì Vietcombank đang là cổ đông lớn của ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu hơn 8,2%.

Thêm hai thương vụ M&A được nhắc đến gần đây liên quan đến hai NHTM Nhà nước là BIDV và VietinBank, sau khi hai ngân hàng này cho biết sẽ nhận thêm một ngân hàng khác trong quá trình tái cơ cấu thời gian tới. Theo phân tích của giới thạo tin thì hai ứng viên của hai ngân hàng quốc doanh lớn này sẽ là MHB (sáp nhập vào BIDV) và OceanBank hoặc PGBank (sáp nhập với VietinBank).

Rõ ràng việc cơ cấu lại hệ thống NH thông qua M&A là cần thiết vì không chỉ giảm sở hữu chéo trong hệ thống NHTM nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng mà còn giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cơ cấu hệ thống ngân hàng dù dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay cho giải thể, phá sản thì xử lý tài sản, đặc biệt các nghĩa vụ nợ là phức tạp và khó khăn nhất do quy mô rất lớn, đụng chạm đến nhiều đối tượng trên địa bàn rộng lớn, trong khi các mối quan hệ đan xen cũng như việc đánh giá chất lượng và xác định giá trị tài sản không hề đơn giản.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục