LTS: Sau 10 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, đời sống người dân khu vực nông thôn TPHCM ngày một đổi thay tích cực. Tại một siêu đô thị, nông nghiệp chỉ giữ vị trí khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế, diện tích sản xuất và số người làm nông nghiệp giảm dần, nhưng bù lại, năng suất và giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp ngày càng tăng. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Có thể thấy, trong suốt 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã chung tay làm nên sự đổi thay căn bản ở vùng nông thôn ngoại thành.
Thời gian qua, tại TPHCM có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao được tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ bằng những quyết sách cụ thể. Những mô hình, cách làm mới này đã nâng thu nhập đáng kể cho người dân vùng nông thôn. Theo xu hướng, các mô hình phát triển nông nghiệp nói trên không chỉ thu hút những người lớn tuổi, nông dân lớn lên từ đồng ruộng mà ngày càng nhiều bạn trẻ có kiến thức, đam mê làm nông nghiệp tham gia, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Nhìn thấy tiềm năng
“Người ta phải thuê đất để làm nông, tại sao mình có đất mà không làm?”, suy nghĩ đó đã thôi thúc chị Nguyễn Thị Thanh Dung đang từ nhân viên văn phòng quyết tâm về quê nhà ở ấp Bàu Tròn, xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) khởi nghiệp bằng việc trồng hoa lan công nghệ cao.
Ngồi nhẩm đếm về mức lợi nhuận 200-300 triệu đồng/tháng như hiện nay, chị chủ vườn lan không quên đã từng có những tháng ngày rong ruổi khắp nơi tìm hiểu các mô hình trồng lan nổi tiếng, học hỏi bí quyết. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi từ huyện, chị đầu tư giống, làm giàn và mạnh dạn trang bị hệ thống tưới hẹn giờ tự động. Bên cạnh đó, chị trồng nhiều giống lan có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng như lan Dendrobium nắng, lan cẩm cù…
Từ việc trồng lan chai mô nhập khẩu của Thái Lan, dần dần chị Dung chủ động được nguồn giống và quá trình sản xuất. Nhờ tưới tự động, vườn lan rộng 15.000m² giảm thiểu nhân công, tiết kiệm rất nhiều kinh phí. Chị Dung cho biết, đang tìm hiểu một số hệ thống tự động khác, như phun thuốc trừ sâu mà vài vườn cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang áp dụng thành công, để làm trên giàn lan của mình.
Cũng trên mảnh đất Củ Chi, gần 5 năm trước có một cô gái 24 tuổi “bỏ phố về quê” xã Tân An Hội, quyết tâm khởi nghiệp bằng cây rau má. Một loại cây mà người dân vẫn thường xem là rau dại, ít giá trị kinh tế, nhưng cô gái Nguyễn Ngọc Hương đã biến nó thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mang lại doanh thu hơn 4 tỷ đồng mỗi năm.
Ngày bắt tay trồng thử nghiệm rau má trên diện tích đất 10.000m², Hương gặp nhiều khó khăn từ việc chuyển đổi vùng nguyên liệu, rau bị sâu bệnh gần hết, đến tiếp cận, thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ uống tươi sang uống bột.

Nói đến mô hình sản xuất lớn, không thể không nhắc tới các HTX nông nghiệp, nhờ sự tương trợ giữa các nhà sản xuất mà quy mô làm ăn và thu nhập tăng lên đáng kể. Ở Củ Chi, HTX hoa lan Huyền Thoại thành lập năm 2015 với 8 thành viên, với tổng diện tích đất trồng hoa lan của các thành viên trong HTX là 18ha. Tới nay, số lượng thành viên HTX đã tăng lên 15 người, tổng diện tích đất trồng lan là 25ha. Hiện nay, số lượng hoa lan đang cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước là 8 tỷ cành và 100.000 cây giống. Việc tham gia HTX giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh; đồng thời thuận lợi trong việc kiểm soát tốt được chất lượng và số lượng cung ứng theo nhu cầu thị trường. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, HTX đang cố gắng mở rộng hợp tác, tăng quy mô sản xuất. Bà Trần Ngọc Tuyết, Phó Giám đốc HTX hoa lan Huyền Thoại, cho biết, đang kiến nghị để được nhận giao thuê 50ha đất sản xuất nông nghiệp theo thời hạn 50 năm để trồng hoa lan cắt cành. |
Thu nhập của người dân nông thôn TPHCM tăng gần 3 lần Bên cạnh đó, những ngành nghề nông thôn truyền thống của TPHCM cũng từng bước khôi phục và phát triển, không những tiêu thụ nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông - Củ Chi xuất khẩu ổn định sang châu Âu, Mỹ, Nhật...; sản phẩm đan đát của làng nghề đan đát Thái Mỹ - Củ Chi xuất khẩu sang Đài Loan… |
Từ khoá :
Các tin, bài viết khác
-
Việt Nam mở rộng xuất khẩu ở phân khúc gạo cao cấp
-
103 xã ở Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới
-
Hiệu quả từ liên kết sản xuất nông sản
-
Nông sản Việt tăng tốc chiếm thị phần xuất khẩu
-
Hỗ trợ nông dân tìm thị trường
-
Cạnh tranh gay gắt với trái cây ngoại nhập
-
Gắn sao cho nông sản Tây Nguyên
-
Nhiều nông sản Hoa Kỳ xuất hiện trong bánh Burger
-
Người góp công phát triển nghề trồng hoa Sa Đéc
-
Bình Phước: Triển khai đề án nông nghiệp sạch, hữu cơ