
Nóng quá thì… phỏng, còn lạnh quá thì… teo”. Đó là triết lý của một “đại gia” có râu rậm ngồi ở quán cà phê máy lạnh trên đường Trần Cao Vân sáng nay. Tôi chỉ tạt qua uống vội mà cũng không vội, bởi vì cà phê ngon thì phải nhỏ giọt. Ngồi ở đây, nghe đủ thứ chuyện, chỉ cần nửa tiếng, sẽ có một bài báo về con người Sài Gòn sáng sớm mai.
Nói đến dân Sài Gòn, tôi nghiệm ra, từ vùng ven cho đến các chợ bình dân và… cả tiệm cà phê sang trọng như tiệm tôi ngồi sáng nay đều có một đặc điểm chung là cà phê “nhỉ”, điếu thuốc và tờ báo. Dân xích lô, khuân vác thì báo Công An, người có chút tò mò thì Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Giới quan chức và tuổi trẻ, các bậc lão niên bao giờ cũng cầm trên tay báo Sài Gòn Giải Phóng.

Nhà đầu tư đặt mua cổ phiếu.
Tôi hỏi vì sao, thì được trả lời rằng tin trên Sài Gòn Giải Phóng là tin chắc chắn, tin chính thức. Hôm nay, “đại gia” râu rậm giở tờ báo Sài Gòn Giải Phóng, ra ngày thứ Tư. Với tay cầm ly cà phê ngửa cổ đổ nốt những giọt cuối cùng vào trong cổ họng, ông phán một câu nghe “lạnh” xương sống với ba người bạn “Kinh Đô đang nuốt Tribeco”, rồi nói tiếp: “Sẽ có một đợt bán chạy cổ phiếu, để tụi bay xem”.
Một người hỏi: “Sao mày biết?”, “đại gia” râu rậm nói ngay: “Hôm qua tao ngồi ăn sáng ở Bát Đạt, một lão tài phiệt gọi bọn đàn em, chỉ thị không được mua cổ phiếu bằng mọi giá như vài tuần nay vẫn làm”. Ôâng nói thêm: “Ông ta có tay chân ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh ở Chợ Lớn.
Tại thị trường chứng khoán nghe đâu ông ta đang mua vào số lượng lớn cổ phiếu để có thể chiếm cổ phần chi phối ở một số doanh nghiệp. Chỉ có vậy, một chỉ thị được truyền miệng rồi sẽ làm xôn xao thị trường chứng khoán cho mà xem”. Quả thật, việc chẳng có gì ầm ĩ, mới “le te” ngày hôm qua mà hôm nay, tại quán cà phê này, cái hàn thử biểu đã cục kịch rồi, lạ thiệt!
Tôi biết rõ sự nhấp nhổm của những người có cổ phiếu bởi vì nhà đầu tư “tiểu nông” vẫn còn cái cảnh “ăn đong”… Hồi đầu năm 2002, một nhà đầu cơ muốn mua cổ phiếu với giá rẻ, ông ta bèn ra độc chiêu, tung tin doanh nghiệp nọ làm ăn bê bối và ông ta bán ngay cổ phiếu của công ty đó với giá sàn (giá thấp nhất), chịu lỗ. Rồi, nhà đầu cơ đi rỉ tai, cổ đông lo sợ vội vã bán cho ông ta. Một hôm, người viết bài này tình cờ nghe được chính ông đầu cơ nọ tuyên bố giữa cơn say: “Tao không cần biết công ty đó làm ăn ra sao, cổ phiếu của tao có lãi chừng 4 năm nữa”.
Quả y như lời, khi đã no, ông ta bắt đầu mua với giá rất cao, tạo tâm lý và bán ra ngay với giá khá cao, lãi to. Nghe đâu bây giờ, năm 2005, lại xảy ra bán tháo cổ phiếu, lần này không phải những người “cò con” mà là những nhà đầu tư cỡ bự.
Chuyện nay, nhớ người xưa. Hồi năm 2002, trong một lần họp với giám đốc các công ty niêm yết đang rất lo lắng trước tình hình xuống dốc của thị trường chứng khoán, mà cái lo nhất lại là cảnh “bán tháo” giống như thời nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, chính ông Bùi Nguyên Hoàn đã nói rằng “Muốn làm ăn trên thị trường chứng khoán không thể là những tay buôn trâu theo chuyến. Đó phải là những người biết làm ăn lâu dài, đầu tư chứ không phải là ăn xổi ở thì”.
Hồi đó, thú thật, tôi cũng chẳng tin lời ông Hoàn, đến bây giờ tôi biết rõ cái giá của một nhà đầu tư cò con là “được thì được nhỏ mà mất thì mất lớn”. Âu đó cũng là quy luật trên thị trường, ai có nhận định sắc sảo, lì lợm và biết tính toán thì sẽ thành công. Còn nếu chỉ là một gã long đong, ăn đong, thế nào cũng ôm một đống… rác.
Quy luật “nóng” và “lạnh” xem ra thời nào cũng đúng.
LÊ THÀNH CHƠN