Nóng vấn đề bản quyền trong biểu diễn nghệ thuật

Ngày 20-4, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 15/2016/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL. Vấn đề thực thi tác quyền trong nghệ thuật biểu diễn lại một lần nữa được đưa ra tại hội nghị.

Hành chính hóa các quan hệ dân sự là sai luật

Chia sẻ quan điểm về vấn đề thực thi quyền sở hữu tác giả trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật được quy định tại Nghị định 15/2016 và Thông tư 01/2016 đang gây tranh cãi, đại diện Sở VH-TT-DL TPHCM cho rằng, các quy định khi tổ chức sự kiện phải thực thi đầy đủ quyền tác giả không mới. Điều đó đã được quy định ở những văn bản có giá trị pháp lý cao hơn nghị định và thông tư đó là Luật Sở hữu trí tuệ, vì thế việc thực hiện nghiêm các quy định này là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, theo đại diện Sở VH-TT-DL TPHCM, bản mẫu cam kết về bản quyền trong Thông tư 01/2016 cần phải cụ thể hơn nữa khi đưa ra thời hạn buộc phải thực thi nghĩa vụ bản quyền. Ví dụ, 1 tháng sau khi tổ chức sự kiện hay 3 tháng sau khi tổ chức chuyến lưu diễn... buộc đơn vị tổ chức phải hoàn thành nghĩa vụ về bản quyền.

Cùng chia sẻ về nội dung này, NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát đương đại Việt Nam, lại cho rằng: “Từ lâu, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc muốn các cấp trung ương, địa phương chia sẻ quyền cấp phép coi như một thứ giấy phép con. Thông tư hiện nay cộng với bản cam kết trả tiền tác quyền là đủ. Khi xin cấp phép, bao giờ cũng có điều khoản chủ chương trình phải đóng tiền tác quyền. Điều này phải phân định rạch ròi”.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, tại khoản 5, Điều 1 của Nghị định 15 quy định các cá nhân, đơn vị sử dụng tác phẩm phải có “1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Như vậy, Nghị định 15 đưa ra 3 phương án và người xin phép sử dụng tác phẩm phải hoàn thành một trong 3 phương án đó. Có thể làm cam kết hoặc nộp bản sao hợp đồng hay văn bản thỏa thuận.

Ông Nguyễn Đăng Chương cũng khẳng định, với việc bổ sung thêm 3 loại giấy tờ, đây là hành lang pháp lý thông thoáng để tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tác quyền. Trung tâm Bản quyền tác giả phải giám sát các chương trình vi phạm, không nộp tiền bản quyền để sau đó có kiến nghị với Cục Nghệ thuật biểu diễn và các địa phương, đơn vị nào vi phạm trước đó thì sẽ không được cấp phép tổ chức biểu diễn lần sau. “Pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự. Nếu đưa vào hồ sơ là sai luật”, ông Chương nhấn mạnh.

Băn khoăn cấp phép biểu diễn

Việc cấp phép biểu diễn chương trình nghệ thuật cũng là vấn đề được quan tâm. Cụ thể, cấp phép biểu diễn cho chương trình có nghệ sĩ nước ngoài, nghệ sĩ hải ngoại vẫn còn đang gây băn khoăn cho địa phương. Ông Nguyễn Đăng Chương cho biết, với các chương trình có yếu tố nước ngoài, UBND tỉnh mới có thẩm quyền cấp phép. Các sở VH-TT-DL có trách nhiệm giám sát chương trình có sai phạm không. Ngoài ra, đơn vị biểu diễn ở địa phương nào thì xin cấp phép ở địa phương đó, chỉ có Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL mới có thẩm quyền cấp phép biểu diễn trên toàn quốc. Điều này tránh tình trạng trước đây, có đơn vị xin phép biểu diễn ở tỉnh A không được lại sang tỉnh B xin phép biểu diễn và được chấp thuận. Khi chương trình diễn ra chất lượng kém, tỉnh A lên tiếng, gây mất đoàn kết, khó khăn trong giám sát quản lý.

Cũng liên quan tới việc cấp giấy phép, đại diện Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết: “Trong quản lý về băng, đĩa hiện nay, nhiều đơn vị tổ chức phát hành băng đĩa karaoke, mang nhiều công nghệ mới. Hiện có đĩa 1.500 bài, ít là 300 bài. Nhưng Nghị định 15 chỉ cho thời hạn công tác thẩm định là 5 ngày như vậy là không đủ. Thêm nữa, việc không trả lời, trả phép đúng hạn định khiến cơ quan quản lý nhà nước liên tục phải có thư xin lỗi là điều không nên có.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng, việc kéo dài thời gian cho các đơn vị thẩm định các đĩa karaoke đã được ban soạn thảo Nghị định 15 bàn đến, song khi họp với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thì không được đồng ý. Chính phủ cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là phải đẩy nhanh tiến độ công việc.

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về các vấn đề liên quan tới thẩm định ca khúc, cấp giấy phép biểu diễn... Ông Nguyễn Đăng Chương cho biết, sau hội nghị này, Bộ VH-TT-DL sẽ hợp nhất Nghị định 79 và Nghị định 15 và sẽ thông tin trên website của Bộ VH-TT-DL để thông tin rộng rãi đến các địa phương.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục