“Nóng” với hàng lậu

Hàng lậu tràn qua cửa khẩu
“Nóng” với hàng lậu

Những tháng đầu năm 2014, do sức mua từ các lễ hội đều tăng mạnh nên hàng lậu từ Trung Quốc gồm đủ loại, từ đồ gia dụng, đồ chơi, quần áo, vải vóc đến thực phẩm, đồ khô và hóa chất, gia vị… ùn ùn kéo về xuôi.

Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ gà lậu.

Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ gà lậu.

Hàng lậu tràn qua cửa khẩu

Từ đầu tháng 3-2014 đến nay, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tình trạng vận chuyển hàng lậu đang nóng lên từng ngày. Sau thời gian tạm lắng, hiện cửu vạn lại kéo về đông như đi hội để bốc hàng thuê cho các đầu nậu. Hàng cũng được tuồn sang tấp nập. Trong đó nhộn nhịp nhất là đoạn ngã ba Lọ Bon, ngay bên cánh trái của cửa khẩu Tân Thanh với đủ chủng loại hàng hóa. Từ dốc Lọ Bon hướng sang phía Trung Quốc, chỉ trong 1 giờ đồng hồ có thể đếm được hàng trăm xe máy nối nhau rú ga inh ỏi với cả núi hàng phía sau. Phần lớn hàng được tuồn về khu vực chợ Tân Thanh theo đường vòng khác, còn lại chở thẳng về thị trấn Đồng Đăng.

Nóng hơn cả Tân Thanh phải kể tới khu vực cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng). Các cửu vạn ở đây cho biết, do phía bên Trung Quốc đang có chính sách khuyến khích và ưu đãi phát triển khu vực kinh tế nằm kề Tà Lùng nên các tư thương Trung Quốc đều đổ dồn về đây để xuất hàng. Trong khi đó, tại khu vực cửa khẩu Móng Cái từ trước tết đến nay, hàng về vắng lặng hẳn so với trước. Một “đầu nậu” vải ở TP Móng Cái tiết lộ: “Do cơ quan chức năng ở khu vực Móng Cái làm rất chặt nên phần lớn hàng được chuyển qua khu vực Bắc Phong Sinh ở cách đó hơn 20km”.

Tại khu vực cửa khẩu TP Lào Cai và Bản Vược (Bảo Thắng)… thuộc tỉnh Lào Cai, từ tháng 2-2014 đến nay, tình trạng vận chuyển hàng lậu cũng nóng trở lại. Ông Lê Hải Đăng, Đội trưởng Đội QLTT số 1 TP Lào Cai cho biết, cơ quan liên ngành gồm công an, quản lý thị trường và biên phòng liên tục bắt được gà lậu, xúc xích lậu, dăm bông, nội tạng động vật cùng nhiều mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc trong 2 tháng gần đây. Trong đó chủ yếu là gà lậu. Phần lớn các lô gà mà cơ quan chức năng bắt được đều là loại đông lạnh, các đầu nậu đã khôn khéo làm thịt sẵn ở bên kia rồi đóng thùng xốp, ướp đá tuồn vào nội địa để dễ qua mặt lực lượng chống buôn lậu.

Tại cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), sau một thời gian dài cánh đầu nậu thủy sản nằm chờ thời vì cơ quan chức năng tuần tra rất ngặt thì hiện tại đang bắt đầu lén lút làm ăn. Lý do là hiện ở trong nước đang bắt đầu vào vụ nuôi thả mới, hàng khan hiếm mạnh. Trong khi đó, không chỉ cá tầm mà các loại ếch, lươn, cua bên Trung Quốc rất dồi dào, giá cực rẻ. Vì vậy, các xe hàng chở thủy sản không rõ nguồn gốc lại tìm cách từ Tà Lùng và Thất Khê (Lạng Sơn) tuồn về nội địa. Vụ mới đây là từ ngày 7 đến 10-3, Công an Hà Nội đã bắt giữ được 2 chuyến xe hàng thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc. Xe đầu tiên chở gần 3 tấn thủy sản các loại và xe thứ hai hơn 2 tấn. Từ Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng chức năng các tỉnh phía Bắc đã bắt giữ trên 20 vụ vận chuyển với gần 30 tấn thủy sản nhập lậu.

Cá lậu từ Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam.

Cá lậu từ Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam.

Điều tra các tổng kho hàng lậu

Nóng bỏng nhất vẫn là nhiều đường mòn lối mở quanh các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma, Cốc Nam… Ông Vi Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong năm 2013 công tác chống buôn lậu của tỉnh Lạng Sơn triển khai rất tốt nhờ một giải pháp mới và mang tính khả thi cao là triển khai rào chặn tại hàng loạt đường mòn lối mở gần khu vực biên giới - nơi là địa bàn làm ăn của buôn lậu - bằng hệ thống tường dây thép gai. Đặc biệt, nhiều địa điểm nóng như Hang Dơi, Gốc Nhãn, Gốc Bưởi… còn được đầu tư xây dựng cả tường rào kiên cố bằng bê tông cao 3m. Do đó, hầu như các mặt hàng nhạy cảm như pháo nổ, đồ chơi độc hại, tiền giả… đều giảm hẳn.

Tuy nhiên hiện nay, vì lợi nhuận, các đầu nậu và cửu vạn tìm mọi mánh khóe để tuồn các mặt hàng lậu (chủ yếu là thực phẩm và đồ tiêu dùng) vào nội địa. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 127 về chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm, mánh khóe chủ yếu là các đầu nậu lợi dụng kẽ hở từ chính sách 254 ưu đãi cho cư dân biên giới được mua hàng có trị giá tối đa tới 2 triệu đồng/ngày không phải áp thuế để xé lẻ hàng đưa vào địa bàn Lạng Sơn rồi mới thu gom tập kết vào một chỗ, chờ cơ hội thuận lợi là chở về xuôi. Vì thế, tỉnh Lạng Sơn sẽ áp dụng thêm một giải pháp mới trong năm 2014 là sẽ “đánh” vào các tổng kho chứa hàng lậu. 

Để chủ động ngăn chặn hàng lậu, tại các tỉnh có tình trạng buôn lậu gia tăng như Cao Bằng, Lào Cai… hiện nay cơ quan chức năng cũng đang ráo riết triển khai các giải pháp tổng thể. Ông Nguyễn Bá Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai kiêm Phó ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai cho biết, mới đây đơn vị này đã tổ chức tiêu hủy số lượng lớn hàng giả và hàng nhập lậu với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Các mặt hàng tiêu hủy chủ yếu là phụ tùng xe máy, nón bảo hiểm, phụ kiện điện thoại, thuốc nhuộm tóc, quần áo, giày dép, dao kiếm và đồ chơi bạo lực… Ngoài ra, còn có một lượng lớn thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, có nguy cơ độc hại và không đảm bảo an toàn như xúc xích, chả cá, trứng gia cầm. Đây là những mặt hàng lậu và hàng giả, hết hạn sử dụng và nguy hiểm mà các đội quản lý thị trường bắt giữ trong thời gian vừa qua.

Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới để phát hiện và xử lý nghiêm hàng lậu.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Lạng Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn… hiện đã xác định được khoảng 18 “tổng kho” hàng lậu. Các tổng kho nằm tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn Đồng Đăng, quanh ga Đồng Đăng, khu vực xã Bảo Lâm và Thụy Hùng (huyện Cao Lộc). Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, việc kiểm tra và triệt phá các tổng kho tập kết hàng lậu sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng lậu cố tình tràn vào nội địa.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục