Nóng với tổng tuyển cử

Qua 2 nhiệm kỳ, nữ Thủ tướng Angela Merkel hy vọng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba sau cuộc bầu cử vào ngày 22-9 tới. Phát biểu tại hội nghị của liên minh đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (gọi tắt là CDU/CSU), bà Merkel cam kết rằng nếu thắng cử, bà sẽ chi tiêu rộng rãi vào các chương trình phúc lợi xã hội, nhất là đối với các bà mẹ đồng thời không tăng thuế.

Qua 2 nhiệm kỳ, nữ Thủ tướng Angela Merkel hy vọng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba sau cuộc bầu cử vào ngày 22-9 tới. Phát biểu tại hội nghị của liên minh đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (gọi tắt là CDU/CSU), bà Merkel cam kết rằng nếu thắng cử, bà sẽ chi tiêu rộng rãi vào các chương trình phúc lợi xã hội, nhất là đối với các bà mẹ đồng thời không tăng thuế.

Chính vì vấn đề chi tiêu quá khắt khe cộng với việc phải gánh thêm nợ của các con nợ trong EU khiến CDU/CSU thua thiệt trong các cuộc bầu cử địa phương và tiểu bang gần đây. Cương lĩnh tranh cử dài 127 trang của bà Merkel được xem như nền tảng vững chắc cho tương lai của nước Đức, trong đó đảm bảo rằng củng cố ngân sách vẫn là ưu tiên số một. Thủ tướng Merkel tự tin khi cho rằng thu nhập từ thuế sẽ tăng lên 700 tỷ EUR (920 tỷ USD) vào năm 2017 so với mức 600 tỷ EUR trong năm 2012. Bộ Tài chính Đức dự báo ngân sách nước Đức sẽ cân bằng và thậm chí thặng dư vào năm 2014 so với mức thâm hụt nhẹ hiện nay.

Cương lĩnh tranh cử của CDU/CSU được đưa ra 3 tháng trước khi diễn ra tổng tuyển cử. Theo thăm dò của Emnid công bố ngày 23-6, liên minh CDU/CSU đang dẫn đầu với 41%, đảng Dân chủ Xã hội (SDP) đứng thứ hai với 25%. Bằng cách tập trung vào các chương trình phúc lợi và trợ cấp cũng như đầu tư mới vào các công trình cơ sở hạ tầng, CDU/CSU muốn lấy phiếu của cử tri SDP khi đảng này cho biết mục tiêu của họ không loại trừ việc tăng thuế với những người giàu. Hiện những người giàu nhất ở Đức đã phải đóng 45% thuế thu nhập. Bài diễn văn quan trọng công bố cương lĩnh tranh cử của Thủ tướng Angela Merkel đã phải tạm dừng nhiều lần do khán giả vỗ tay tán thưởng.

Nước Đức và Thủ tướng Angela Merkel trở nên nổi bật trong cuộc khủng hoảng tài chính EU do vai trò hàng đầu của họ trong việc giúp các con nợ tránh phá sản. Dù người dân ở các nước Nam Âu nói chung, đặc biệt là ở các nước con nợ tỏ ra không ưa gì những đòi hỏi khắt khe của chủ nợ, gồm có IMF, ECB và Đức, nhưng từ tận đáy lòng, họ vô cùng ngưỡng mộ cách điều hành kinh tế của người Đức. Trong khi nhiều nước trong EU còn đang nợ nần chồng chất, tăng trưởng kinh tế ảm đạm thì tăng trưởng GDP của Đức năm 2012 đạt 0,9%. Đây chính là thành quả của chính sách chi tiêu hợp lý của Đức và quả không sai khi cho rằng người Đức có tính kỷ luật rất cao.

Nước Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất trong khối EU và lớn thứ tư thế giới. Nhờ có lực lượng lao động chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển và vốn dồi dào, Đức cũng là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới với kim ngạch xuất khẩu đóng góp hơn 1/3 vào GDP. Hàng xuất khẩu có giá trị cao thu về kim ngạch lớn là đặc điểm nổi bật của Đức. Mặc dù vậy, không phải là không có khó khăn cho nền kinh tế Đức khi IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 sẽ còn 0,3%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu nền kinh tế Đức tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực thì hy vọng không xa cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng tiền chung eur (eurozone) sẽ sớm kết thúc.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục