Trong cương vị đạo diễn, NSND, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Lê Khanh vừa cho ra mắt công chúng vở kịch Thị Hến. Ngay lập tức vở kịch được giới sân khấu và công chúng khen ngợi. PV Báo SGGP đã có buổi trò chuyện cùng nữ đạo diễn Lê Khanh (ảnh).
* PV: Vở kịch dân gian Nghêu Sò Ốc Hến trước đây đã được các loại hình sân khấu truyền thống tuồng, chèo khai thác đến đỉnh cao không còn gì để bàn thêm. Vậy, từ ý tưởng nào chị dám liều mình, để có Thị Hến thành công?
* NSND - đạo diễn LÊ KHANH: Thực ra ban đầu cũng có nhiều người khuyên tôi không nên làm vì vở diễn Nghêu Sò Ốc Hến đã quá quen thuộc và thành công rồi. Ngay tôi cũng nhiều khi suy nghĩ nên hay không nên... Tuy nhiên rồi cái sự liều lĩnh của mình đã chiến thắng. Khi còn là diễn viên tôi đã rất thích nhân vật Hến, nhưng với những suy nghĩ và cảm nhận của riêng tôi. Nhân vật Hến là tượng trưng cho cái đẹp và cái đẹp ấy phải chống chọi giữa muôn vàn những điều xấu trong xã hội để tồn tại. Vở Thị Hến tôi biên tập cho gọn hơn và nhấn những chỗ mình có thể phả quan điểm của mình qua nhân vật. Từ góc nhìn phụ nữ, tôi thấy xót xa và cũng thấy Hến thật đẹp.
Bắt tay dựng vở với suy nghĩ làm sao vở diễn vừa có yếu tố nghệ thuật, vừa sâu sắc với những giá trị nhân văn, lại vừa phù hợp với đời sống và có tính giải trí cao. Tôi cũng mong muốn các diễn viên trẻ hiện nay được tiếp cận, trải nghiệm cùng những vở diễn cổ điển; nhằm có cơ hội cho diễn viên trải nghiệm, đồng thời phát huy, bộc lộ được những tố chất nghệ sĩ còn tiềm ẩn, mà nếu không có đất diễn sẽ không có cơ bộc lộ...
* Tại sao vở diễn lại lấy tên Thị Hến, thưa đạo diễn?
* Nhân vật Thị Hến là trung tâm, là nguyên nhân, là cái cớ gây nên tất cả các trò trong vở diễn dân gian trước. Trong vở của tôi Thị Hến lại càng nổi bật hơn. Tôi nhấn vào cái nguyên cớ của mọi nguyên cớ. Nếu như Hến không đẹp thì làm gì có những chuyện bi hài xảy ra. Tôi thấy Hến hội tụ đầy đủ những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt, nhưng không may chồng mất mà phải ở một mình. Và, không phải lúc nào họ cũng có một người đàn ông bảo vệ mình. Họ phải chống chọi một mình với đủ thứ xấu xa trò đời. Càng đẹp thì càng truân chuyên... Hến đã rất tài tình trong xử lý các tình huống cuộc đời. Cái giỏi của người phụ nữ này là đã nhìn ra những mặt trái bên trong con người và đã giăng một mẻ lưới làm bộc lộ tất cả cái bi hài cuộc sống, con người... Nếu Hến không giỏi thì không thể làm được như vậy.
* Đây là cách nhìn rất mới của đạo diễn Lê Khanh về một nhân vật Hến, trong suy nghĩ mọi người là một người phụ nữ lẳng lơ?
* Vâng. Cách nhìn của phụ nữ luôn có sự đồng cảm và xót xa. Thực ra cái lẳng lơ của Hến chỉ là sự dẫn dụ nhằm bộc lộ cái xấu của trò đời. Nguyên nhân sâu xa chính bởi tại Hến đẹp quá.
* Đạo diễn Lê Chức, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có nhận xét: Vở Thị Hến của Lê Khanh lạ, sâu sắc và đa chiều... Đạo diễn Lê Khanh có thể cho biết thêm?
* Tôi không nghĩ con người ta là xấu hoàn toàn hay ngược lại. Văn học nghệ thuật của chúng ta một thời thường hay nói quá lên. Hến của tôi tượng trưng cho cái đẹp và khi đối diện với cái đẹp thì ngay những cái tưởng như xấu kia cũng đã lấp lánh ánh sáng của cái tốt, cái thiện. Từ quan huyện, thầy đề đến lý trưởng liệu có chắc rằng họ cảm thấy cái đẹp bên những người phụ nữ của họ! Họ có thể tham nhũng, ăn chặn, hối lộ và nhiều cái xấu khác; nhưng có lẽ từ quan huyện, thầy đề, lý trưởng... cũng đã thấy phần nào cái tốt đẹp còn lại trong lòng mình, nên mới rung rinh và tìm đến cái đẹp ở Hến. Vâng, nếu Hến xấu người, xấu nết thì có anh nào rung động...!
Tôi đã thử đi sâu vào tâm hồn, ngóc ngách thầm kín của con người và cố gắng tìm cái nguyên cớ của nó. Cái kết của tôi xây dựng hình ảnh ba người đàn bà cầm liềm, cầm gậy cùng cao giọng: Chỉ tại con Hến. Nó đẹp thật! Và ba người đàn ông cùng run rẩy giọng yếu ớt: Đúng rồi!
* Như vậy, qua vở diễn đạo diễn Lê Khanh muốn chuyển tải một thông điệp về cái đẹp?
* Vâng! Sau khi xem vở diễn rất may tôi đã nhận được những thông tin tốt từ mọi người. Không có sự so sánh Hến của tôi với Hến của sân khấu dân gian. Tôi muốn trình bày cách nhìn của tôi về một vấn đề tưởng như đã quá quen thuộc và cố gắng khơi gợi lên được một điều gì đó. Còn cảm nhận như thế nào là thuộc khán giả.
* Đạo diễn có thể cho biết thủ pháp dàn dựng Thị Hến khi được chuyển bằng loại hình sân khấu kịch nói?
* Tôi tận dụng tối đa sân khấu ước lệ. Trong vở diễn sử dụng khả năng khẩu thuật tối đa của diễn viên mà không cần đến hỗ trợ của âm nhạc, đã làm cho vở diễn sôi động và sinh động, phản ánh được không khí, không gian của miền quê Việt. Bên cạnh đấy trang trí sân khấu đã tạo nên một không gian dân dã, dân gian giúp cho sự thể hiện của nghệ sĩ đầy cảm hứng.
* Vở Thị Hến không có sự đầu tư kinh phí của nhà nước?
* Vâng! Đây là vở diễn mang tính xã hội hóa. Các nghệ sĩ cùng chung tay góp sức, ai có điều kiện gì góp nấy. Chúng tôi coi đây là cùng chơi trò chơi nghệ thuật. Và, qua đây cũng đã khơi lên được phần nào ngọn lửa đam mê nghệ thuật của diễn viên, nghệ sĩ hiện nay.
CAO MINH