Học chơi đàn từ nhỏ, nghệ sĩ Ba Tu đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc của mình. Nằm lòng 20 bài bản tổ đờn ca tài tử, ông không chỉ nổi tiếng với ngón đờn kìm tài hoa mà còn là bậc thầy với nhiều loại nhạc cụ khác như cò, tranh, sến, guitar phím lõm. Hơn cả thời gian và tuổi tác, ngón đờn của ông vẫn trẻ trung, tươi mượt đủ sức chinh phục mọi người.
- Những mạch ngầm phù sa
Cha ông cũng là người biết đờn ca tài tử, thấy con trai quá mê đờn nên quyết tâm phải tìm thầy giỏi cho con theo học. Ngày học chữ, đêm ông làm quen với cây đờn kìm dưới sự hướng dẫn của thầy Chín Phàn. Những thanh âm khi trầm bổng, lúc réo rắt nhặt khoan từ loại nhạc cụ ít phím hiếm dây này (2 dây, 9 phím) đã mê hoặc và thấm đẫm vào ông lúc nào không hay. Đam mê và sáng dạ, những ngón đờn tranh của thầy Bảy Quế và lối đờn cò độc đáo của thầy Hai Võ đều được ông tiếp thu nhanh chóng. Những thanh âm mê đắm ấy theo ông trong từng giấc ngủ, như những mạch ngầm phù sa của con sông quê mỗi ngày bồi đắp vào tuổi thơ ông. Hơn 11 năm ròng rã, những ngón đờn của ông, nhất là đờn kìm ngày thêm già dặn đến mức tài hoa ở cả ba trường phái nhạc lễ, tài tử và cải lương.
Những năm kháng chiến chống Pháp, ông lên Sài Gòn và gia nhập Đoàn Tiếng Vang Thủ Đô đi lưu diễn ở khắp nơi. Chính thời gian này đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức để tiếp tục đi trên con đường nghệ thuật. Những năm 60, ông diễn cho Đoàn Phước Thành và Đoàn Minh Tơ. Sau năm 1975, ông lần lượt về biểu diễn tại Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 và Nhà hát Trần Hữu Trang cho đến khi nghỉ hưu. Thông thường, mỗi người có một sở trường diễn tấu, thể Bắc, Nam hay Oán chỉ giỏi có một, còn với danh cầm Ba Tu coi như thể nào trong nhạc tài tử, cải lương cũng đều là sở trường cả. Theo ông, khi cầm đờn phải có tâm, coi là tâm tấu. Không chỉ thuộc lòng bản, người nghệ sĩ phải nhấn nhá từng chữ nhạc chuẩn xác, phải tạo được màu âm rắn rỏi và gieo cảm xúc của mình vào đó thì đờn kìm nghe mới có hồn.
- Đệ nhất nguyệt cầm
Ngày xưa, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc) hay ngũ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc, sáo), đờn kìm vẫn giữ vai trò lĩnh xướng. Trong nhạc tài tử cải lương, bài bản dựa vào chữ nhạc chính từ cung bậc của đờn kìm; người học ca, các loại nhạc cụ khác cũng dựa vào nền tảng âm nhạc của đờn kìm. Cây đờn kìm (nguyệt cầm) được tôn vinh là “thầy” của các loại nhạc cụ khác là vì vậy.
Được mệnh danh là đệ nhất nguyệt cầm, tên tuổi của nghệ sĩ Ba Tu gắn với đờn kìm. Tư thế ngồi đờn kìm cũng khác biệt, đòi hỏi sự rèn luyện từ ngón đến phong cách. Tư thế đĩnh đạc được ví như người quân tử, nên đờn kìm còn gọi là “quân tử cầm” và người đờn phải khổ luyện cho thành phong cách ấy thì mới được mệnh danh này. “Ông nhấn chữ xang nức nở đến đổ hột như người có tâm sự kể lể, vọng cổ thì nhiều chữ mới, láy mới duyên dáng, các thể điệu Bắc hùng tráng, Nam - Oán thì mùi mẫn. Kỹ thuật nhấn nhá, chạy chữ, chẻ, xốc nhịp thì vô cùng mắc khúc đầy kịch tính trong âm thanh huyền hoặc từ tâm tấu của ông. Danh cầm Ba Tu khi cầm đờn kìm là như thế”, GS-TS Trần Văn Khê nhận xét.
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vừa qua đã được trình lên UNESCO, đang chờ công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - với NSƯT Ba Tu vừa vui vừa lo. Vui vì nghệ thuật truyền thống của Việt Nam được thế giới công nhận, lo vì câu chuyện bảo tồn loại hình nghệ thuật này đến nay vẫn mãi loay hoay, chưa có cách làm căn cơ. “Người ta nói tre già măng mọc, tôi nay cũng đã già 77 tuổi rồi mà “măng” thì vẫn chưa thấy đâu”, nghệ sĩ Ba Tu tâm sự. Với ngón đờn tinh hoa của mình, ông đã hoàn thành công trình có một không hai về đờn ca tài tử: Thực hiện độc tấu đờn kìm với bộ đĩa 20 bản tổ nhạc tài tử cho tỉnh Long An - quê hương ông - để bảo tồn nguồn gốc.
Minh An