(SGGP).- Sau một thời gian lâm bệnh nặng và tuổi cao sức yếu, nữ soạn giả tài hoa Nhị Kiều (ảnh) đã qua đời vào hồi 5 giờ 30 ngày 1-11 (nhằm ngày 25-9 Âm lịch), tại tư gia số 93B ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, hưởng thọ 90 tuổi.
Soạn giả Nhị Kiều tên thật là Quản Thị Minh Nguyệt, sinh năm 1921, tại làng An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Bà đến với nghề sáng tác từ những năm 1955 – 1956, khi chính thức kết hôn cùng nghệ sĩ, soạn giả Tám Vân.
Lúc đầu, khi viết tuồng, bà ký tên là Cô Nguyệt, hoặc Hoàng Thị Nguyệt và sau mới đổi bút danh là Nhị Kiều. Sở dĩ có bút danh Nhị Kiều, theo bà là do bà mượn một câu thơ: “Đồng Tước xuân thâm tỏa Nhị Kiều” và lấy Nhị Kiều để đặt bút danh, kỷ niệm gia đình bà có hai người con gái (chị ruột của soạn giả Nhị Kiều là nhà thơ, nhà văn Hoàng Trúc Mai) theo nghiệp văn chương.
Trong quá trình sáng tác, soạn giả Nhị Kiều đã cho thấy sự tài hoa của mình khi phóng tác theo tiểu thuyết, viết (và cùng nhiều tác giả khác) hàng trăm kịch bản cải lương được trình diễn trên sân khấu và thu video. Có thể kể đến các tuồng: Đợi ánh Bình Minh, Chiếc lá giữa dòng, Hoa đồng cỏ nội, Hương lúa tình quê, Trăng rụng bến Từ Châu, Khói sóng Tiêu Tương, Những đứa con lai, Mùa sen trắng nở, Mạnh Lệ Quân, Đường về Vạn Kiếp, Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Sở Vân, Qua cầu đắng cay, Tâm sự cha tôi, Thanh Xà – Bạch Xà, Mùa thu lá bay, Cách chim bạt gió, Nắng sớm mưa chiều, Vầng trăng bên kia sông, Hoa cẩm chướng, Huyền thoại một tình yêu, Vị đắng lá sầu đâu, Giọt mưa thu…
Theo nhiều nghệ sĩ ghi nhận, có thể nói, đến thời điểm này, soạn giả Nhị Kiều là nữ tác giả viết nhiều kịch bản cải lương nhất Việt Nam. Sự ra đi của soạn giả Nhị Kiều là một mất mát to lớn cho nền sân khấu Việt Nam nói chung và cải lương nói riêng.
Hiện linh cữu của soạn giả Nhị Kiều được quàn tại tư gia. Lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ ngày 1-11. Lễ truy điệu lúc 7 giờ 30 ngày 5-11, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang công viên Bình Dương, tỉnh Bình Dương.
Đ.HA