Theo Đảng ủy Khối Bộ Y tế tại TPHCM, thời gian qua, nhiều đơn vị y tế đã tập trung cải tiến công tác chuyên môn, đầu tư và đưa vào ứng dụng các thiết bị kỹ thuật mới, nâng cao kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của xã hội. Đồng thời, nhiều tập thể bệnh viện và cá nhân y bác sĩ còn làm tốt công tác nâng cao y đức, chăm lo cho người bệnh nghèo, người dân ở tuyến trước, vùng sâu, vùng xa…
Nhiều người bệnh nghèo ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định vẫn còn nhớ hình ảnh nữ PGS-TS, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, người đã dành trọn tâm huyết cho công trình khoa học mang tính đột phá “Hội chứng kém dung nạp lactose ở người bệnh nặng”. Công trình của chị đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân nghèo.
Bác sĩ Tuyết Mai kể, là Trưởng khoa Dinh dưỡng của bệnh viện, chị luôn đau đáu cần một sản phẩm tốt nhưng giá thành thấp để nuôi ăn người bệnh qua ống thông, đặc biệt là tại các bệnh viện lớn. Bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh, nuôi dưỡng người bệnh nặng bằng sản phẩm giá trị sinh học cao giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong, giúp rút ngắn thời gian nằm viện. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nơi chị công tác, luôn có 17% người bệnh cần được nuôi bằng ống thông. Tuy nhiên, số bệnh viện sản xuất được thực phẩm nuôi ăn qua ống thông còn ít và người nghèo thường phải tự làm cháo xay tại nhà để nuôi bệnh cho rẻ tiền. Nhìn cảnh ấy, bác sĩ Tuyết Mai rất đau lòng!
Trong một lần tham gia hội chẩn cho một cụ bà 90 tuổi bị tai biến, suy dinh dưỡng, biết hoàn cảnh bệnh nhân rất khó khăn, người nhà không đủ tiền để mua sữa độ đạm cao cũng như albumin (loại 100ml/chai) với chi phí 5 - 7 triệu đồng/ngày, chị Mai đã không cầm được nước mắt. Từ đó, chị càng quyết tâm nghiên cứu để tạo ra được một sản phẩm sữa có giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt. Chị lấy tiền túi mua sữa bột nguyên kem (có thương hiệu) rồi pha chế thêm với sữa đậu nành và trực khuẩn có lợi cho đường ruột, sau đó cho cụ bà dùng thử để giải quyết tình huống khẩn cấp. Sau 2 tuần, cụ bà này nhờ dung nạp dinh dưỡng tốt nên khỏe hẳn, không còn suy dinh dưỡng, hết phù, giảm bệnh chính là tai biến và được xuất viện.
Thành công này thôi thúc chị cùng đồng sự tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm hàng trăm lần và đã được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cấp kinh phí 1 tỷ đồng để nghiên cứu, sản xuất. Để bảo đảm sữa khi dùng cho người sẽ không có sự cố, bác sĩ Mai nuôi chuột và thử nghiệm trên chuột rất cẩn thận, công phu. Kết quả, từ 7 - 14 ngày, chuột suy dinh dưỡng được nuôi bằng loại sữa này có chỉ số cải thiện dinh dưỡng tốt hơn các loại sữa chuẩn ngoại nhập. Ngoài ra, chuột suy dinh dưỡng được nuôi bằng sữa khỏe hơn nhiều so với chuột không suy dinh dưỡng được nuôi bằng thức ăn. Khi thử nghiệm trên người, chỉ số cải thiện dinh dưỡng, cải thiện lipid máu của người bệnh dùng sữa nghiên cứu tốt hơn nhóm bệnh nhân dùng sữa ngoại.
Bác sĩ Tuyết Mai phân tích: “Để nuôi dưỡng một người bệnh, trong một ngày sẽ cần khoảng 1.500ml sữa đậu nành (khoảng 24.255 đồng) và 200g sữa bột nguyên kem (20.000 đồng). Như vậy, chỉ với 40.000 - 50.000 đồng/ngày, người bệnh nghèo có thể được nuôi dưỡng đủ chất, bằng sản phẩm có giá trị sinh học tương đối cao”. Ngoài giúp ích cho bệnh nhân nghèo, công trình của bác sĩ Tuyết Mai còn là sản phẩm có độ đạm cao đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam để nuôi ăn cho bệnh nhân nặng. Đây là loại sữa có giá trị sinh học cao, đậm độ đạm, năng lượng phù hợp để nuôi dưỡng người bệnh với giá thành thấp. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể dùng nuôi ăn bổ sung cho người bệnh ăn uống kém hay người già khó ăn, với thể tích bổ sung 500 - 750ml/ngày.