Nữ ứng cử viên tự tin tranh cử

Những ngày này, 15 nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và 60 nữ ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 đang tích cực cùng các ứng viên khác thực hiện các hoạt động vận động bầu cử. Không “lép vế” trước những ứng cử viên nam “nặng ký”, các nữ ứng cử viên đang thể hiện sự tự tin và bản lĩnh tranh cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và TPHCM. 
Tổ ứng viên ĐB HĐND TPHCM gồm 3 ứng viên nữ tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại huyện Bình Chánh. Ảnh: MAI HOA
Tổ ứng viên ĐB HĐND TPHCM gồm 3 ứng viên nữ tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại huyện Bình Chánh. Ảnh: MAI HOA

Không chỉ vì sự phát triển của phụ nữ

Điểm qua chương trình hành động của nhiều nữ ứng viên có thể nhìn thấy quyết tâm mạnh mẽ bên cạnh sự hiểu biết, chuyên môn vững vàng. Bà Võ Thị Trung Trinh, ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026, hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, phụ trách công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số - mảng “nóng” của TPHCM thời gian qua.

Bà Trung Trinh cho biết, với vị trí công tác hiện nay và sự hiểu biết của mình, nếu trở thành ĐB HĐNDTP, bà sẽ tập trung vào triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh… để người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được chú trọng để giảm bớt sự phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, tránh việc đi lại tốn kém thời gian công sức. Bà còn ghi rõ số điện thoại, hộp thư điện tử của mình để cử tri tiện liên lạc, phản ánh các vấn đề. 

Là một trong 2 người tự ứng cử ĐBQH tại TPHCM, bà Ung Thị Xuân Hương, công tác tại Hội Luật gia TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Chánh án TAND TPHCM khẳng định, nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội bà sẽ nỗ lực bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm đóng góp cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Là ứng cử viên nữ, ngoài việc đại diện cho tiếng nói chung, bà còn đặc biệt quan tâm đề xuất cơ chế để phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; giám sát thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; đồng thời đóng góp cơ chế để phát huy vai trò của nữ giới trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Là một ĐB nữ, bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá, các nữ ĐBQH ở nước ta đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ, sự tận tụy trong công việc và đã có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Các nữ ĐBQH đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi văn bản pháp luật. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nữ ĐBQH có nhiều ý kiến góp ý chất lượng vào các dự án luật, với tỷ lệ đóng góp ý kiến hơn 31%, dù số lượng nữ ĐB chỉ chiếm hơn 26%. Bà Lê Thị Nguyệt cho rằng, điều này góp phần quan trọng để thay đổi cách nhìn và góp phần tăng tỷ lệ về việc phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị.

Vượt qua định kiến và không ỷ lại

Trở thành ĐBQH hay ĐB HĐND đối với nữ ứng cử viên không phải điều dễ dàng. Theo nữ ĐBQH khóa XIV Phạm Khánh Phong Lan, dù gần đây phụ nữ đã được tạo điều kiện tham gia vào nhiều lĩnh vực trong xã hội, nhưng thực tế vẫn còn những định kiến. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trước khi thay đổi được định kiến của xã hội thì phụ nữ cần thay đổi ngay trong tư tưởng của mình, tự tin vào bản thân và mạnh dạn tham gia nhiều hơn vào các vị trí trong xã hội, phát huy năng lực của mình. 

Tuy nhiên nữ ĐBQH này cho rằng, không nên hạ thấp các tiêu chí để đảm bảo tỷ lệ nữ giới, như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc chung. Theo bà, phụ nữ khi tham gia hoạt động chính trị đòi hỏi phải có sự đầu tư về sức lực, trí tuệ, cố gắng nhiều hơn trong công việc, không ngừng học hỏi, dũng cảm tham gia các hoạt động xã hội đúng tầm mức, sức lực, trí tuệ của mình. Cử tri cần xem xét năng lực của họ trong công việc để bầu chọn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Song bà cũng nhận định, giữa chủ trương và thực tiễn vẫn còn khoảng cách nhất định.

Cụ thể, tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV là 26,72%, tỷ lệ nữ HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở cả 3 cấp đều cao hơn khóa trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu 30% theo như mong muốn.

“Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp thì tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐB phải đảm bảo tối thiểu 30%. Do đó, để đạt tỷ lệ nữ ĐB cao hơn nhiệm kỳ trước và đạt mục tiêu 30% như mong muốn là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao. Điều quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của các nữ ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND các cấp”, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ với các nữ ứng cử viên ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 trong một hội nghị cuối tháng 4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết ban đầu cũng rất bỡ ngỡ. Việc viết chương trình hành động, ứng xử với báo chí cũng còn lạ lẫm, đòi hỏi bản thân phải nỗ lực học hỏi rất nhiều. 

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, kỳ bầu cử này có 14/37 ứng viên ĐBQH do TPHCM giới thiệu là nữ. Với HĐND TPHCM, trong số 158 ứng cử viên có 60 nữ, chiếm tỷ lệ 37,97%, cao hơn yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia là 35%. Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TPHCM có 46,46% ĐB là nữ. “Những con số này phần nào cũng để chị em tự tin chuẩn bị cho hành trình của mình”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục