Nửa mừng nửa lo

Từ một ngành xuất bản hoạt động theo cơ chế bao cấp chuyển qua một nền xuất bản hiện đại, đến nay chúng ta đã có một hệ thống xuất bản đa dạng, các cơ sở in ấn hiện đại, những hệ thống phát hành truyền thống và trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, ngành xuất bản trong nước cũng hứng chịu nhiều mặt trái, tiêu cực. Lâu nay, những người làm sách luôn than phiền về việc xử lý tình trạng sách lậu, sách vi phạm bản quyền còn quá nhẹ, thiếu tính răn đe, như có trường hợp phát hiện hàng chục ngàn cuốn sách lậu nhưng mức phạt chỉ vài chục triệu đồng; hay như trường hợp bắt quả tang đang in ấn, đóng xén sách lậu nhưng rốt cục chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính do thiếu các điều luật chế tài hành vi vi phạm đó.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng đã nỗ lực để chấn chỉnh ngành xuất bản. Luật Xuất bản mới được xây dựng với những quy định chặt chẽ về quản lý, trách nhiệm cá nhân, xuất bản điện tử… Gần đây nhất, trong Luật Hình sự sửa đổi cũng dành nhiều phần về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, với những quy định mới có mức xử phạt cao hơn, thậm chí án tù.

Mới đây, tại TPHCM đã diễn ra cuộc trao đổi do văn phòng đại diện phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức quy tụ giới xuất bản, in và phát hành phía Nam để góp ý cho phần xuất bản của Bộ luật Hình sự mới. Nhiều ý kiến thiết thực đã được nêu lên, chủ yếu tập trung vào các vấn đề chuyên môn, như với việc xử lý vi phạm bản quyền thì lấy mức tiền vi phạm để xử lý là rất khó vì có nhiều trường hợp việc vi phạm bản quyền nhằm các mục đích khác chứ không phải kiếm lợi ích kinh tế (thực tế các vấn đề này đã được nêu rất rõ và cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ).

Hay việc làm sai lệch bản thảo bị chế tài nặng cũng là một vấn đề được nhiều người trong giới xuất bản nêu lên. Thực tế, điều này nhằm ngăn chặn tình trạng bản thảo đã được duyệt nhưng khi đem đi in thì tác giả hay một người nào đó cố ý đưa thêm nội dung vào (thực tế đã có chuyện này). Tuy nhiên với cách thể hiện của luật dễ gây hiểu lầm là cứ có thay đổi là vi phạm trong khi có những vi phạm chỉ đơn thuần là sai sót kỹ thuật (lỗi văn bản) và thực ra đã có quy định cụ thể về xử lý trong Luật Xuất bản. Hay cần phải rõ ràng hơn trong một số trường hợp như sẽ vi phạm nếu không tuân thủ quy định về biên tập và bản thảo… nhưng lại không nói rõ quy định trên là quy định nào, của nhà nước hay của nhà xuất bản.

Những người làm xuất bản đã có quan điểm tán đồng với việc cần có sự nghiêm khắc trong việc quản lý các hoạt động xuất bản nhất là với những vấn đề tiêu cực hiện nay. Tuy nhiên, mặt khác luật cũng cần có sự thấu hiểu để góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của toàn ngành xuất bản. Các đại biểu đề xuất nên có sự trao đổi nhiều hơn giữa những nhà làm luật với những người làm xuất bản để luật thực sự phát huy hiệu quả trong việc nâng cao hoạt động xuất bản trong nước cũng như ngăn chặn những vấn đề tiêu cực không chỉ ở hiện tại mà còn cả ở tương lai.

Cuộc trao đổi khép lại với cả những hy vọng và sự lo lắng, không thể phủ nhận rằng việc luật có nhiều quy định về xuất bản cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với toàn ngành xuất bản ở cả ba lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Nhiều năm qua, ngành xuất bản đã có những thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của bạn đọc nhưng bên cạnh đó, những mặt tiêu cực, những sai phạm cũng ngày càng lộ rõ, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển chung, thậm chí ảnh hưởng xấu đến cả xã hội. Việc cần có những quy định nghiêm khắc, có tính răn đe cao để ngăn chặn những sai phạm vì thế là một điều cần thiết. Tuy nhiên, luật cũng cần phải có tính thiết thực, ngăn chặn cái xấu thực sự chứ không thể đánh đồng, can thiệp vào những hoạt động thông thường gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành xuất bản từ đó ảnh hưởng xấu đến cả việc phát triển văn hóa đọc trong nước.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục