Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số

Nửa đầu năm 2023 cũng đã qua, nền kinh tế tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn, nặng nề hơn cả dự báo. Trong khó khăn như vậy, có được những điểm sáng, chỉ ra được những điểm sáng là rất quan trọng.
Công ty SHTP (Saigon Hi-tech Park Incubation Center, tại Khu công nghệ cao TPHCM) nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn cho thiết bị thông minh phục vụ xã hội thời 4.0. Ảnh: Hoàng Hùng
Công ty SHTP (Saigon Hi-tech Park Incubation Center, tại Khu công nghệ cao TPHCM) nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn cho thiết bị thông minh phục vụ xã hội thời 4.0. Ảnh: Hoàng Hùng

Một nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã qua. Đây cũng là khoảng thời gian mà đất nước rơi vào khó khăn. Nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, từ đại dịch Covid-19, từ những bất định và suy giảm của kinh tế thế giới. Nửa đầu năm 2023 cũng đã qua, nền kinh tế tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn, nặng nề hơn cả dự báo. Trong khó khăn như vậy, có được những điểm sáng, chỉ ra được những điểm sáng là rất quan trọng.

Chính sách khác thường trong tình thế bất thường

Trong 2 năm rưỡi qua, thế giới liên tục rơi vào những tình thế xấu với diễn biến nhanh và phức tạp bởi đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine… Hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, tăng trưởng suy giảm, nhiều nước tăng trưởng âm. Trong bối cảnh thế giới như thế, chúng ta đã thoát khỏi đại dịch Covid-19, vẫn giữ được mạch liên kết sản xuất với thế giới. Điều này rất quan trọng, và khi thế giới suy giảm chúng ta vẫn tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 tăng 2,56%, năm 2022 tăng 8,02%. Đây là thành công không nhỏ. Thành công này bắt nguồn từ sự nỗ lực tối đa của Chính phủ.

Tình thế bất thường, đã dùng chính sách khác thường, vừa nỗ lực chống dịch vừa lo duy trì sản xuất, giữ không để cho đứt mạch sản xuất, đứt mạch lưu thông... và nỗ lực để nền kinh tế phục hồi. Một thành công nữa, là đầu tư công được thúc đẩy. Một loạt dự án đường cao tốc được khởi công, mang lại khí thế mới cho nền kinh tế và sẽ mang lại những kết quả tích cực trong dài hạn. Đây là một bứt phá. Đường thông thì kinh tế mới thông. Những thành công, việc đã làm được rất tốt trong hơn 2 năm qua thể hiện rõ tầm chiến lược và là điểm sáng.

Hai năm rưỡi qua cũng là thời gian rút ra được những kinh nghiệm và bài học quan trọng. Kinh tế thế giới bất ổn, sản xuất đứt chuỗi, đứt mạch, giá cả trồi sụt, lạm phát cao và lãi suất cao, kinh tế thế giới suy thoái. Đặt trong bối cảnh thế giới như thế để thấy rõ điểm sáng của Việt Nam; thấy rõ những cố gắng, đứng vững và sự chống chịu của Việt Nam cũng như những thách thức phải vượt qua, những hạn chế, vấn đề cần phải giải quyết. Trong lúc phải nỗ lực vượt qua giai đoạn rất khó khăn này, những “tai biến” của nền kinh tế xuất hiện với Việt Á, FLC, Vạn Thịnh Phát… bung ra, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường và nền kinh tế. Bởi, nếu sớm được giải quyết, thì hậu quả đã khác.

Đang bộc lộ cơ cấu kinh tế nhị nguyên

Một vấn đề vẫn cần đặt ra là câu chuyện thực thi. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một chương trình tốt, với những chính sách chưa từng có nhưng lại triển khai quá chậm, làm giảm ý nghĩa và hiệu quả, làm mất đi cơ hội phục hồi và bộc lộ không ít vấn đề. Đầu tiên, đó là sự phối hợp giữa các chính sách và giữa Quốc hội, Chính phủ, các, bộ ngành. Chính phủ và Quốc hội đồng thuận, nhưng từng khâu lại chậm, không nhịp nhàng.

Ngoài ra, tính chất hành chính, thủ tục quá rõ: vẫn là xét - duyệt - cấp, nên nhiều đối tượng đáng được hỗ trợ lại không nhận được hỗ trợ. Việc thực thi cũng chưa thấu được bản chất là cứu doanh nghiệp, hỗ trợ người dân không phải vì chính người dân và doanh nghiệp, mà còn là để cứu thị trường, tăng sức mua, cứu nền kinh tế.

Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, phục hồi và phát triển, tức là tận dụng cơ hội để phục hồi, để nền kinh tế nhanh đứng dậy và đứng dậy mạnh. Đây là cách giúp doanh nghiệp, giúp thị trường nhanh nhất mà không phải xin - cho. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng những chính sách hỗ trợ được đưa ra là tốt, là đúng nhưng làm chưa được. Bên cạnh đó, tuy đầu tư công được thúc đẩy, có những thay đổi, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Các tổ công tác thúc đẩy đầu tư công chỉ giải quyết những vướng mắc cụ thể của các dự án. Để giải quyết được rất nhiều vấn đề đang gây ách tắc của đầu tư công cần phải có “đội đặc nhiệm” để nghiên cứu và tháo gỡ. Giải ngân đầu tư công là “bơm máu” cho nền kinh tế, là hỗ trợ doanh nghiệp; vì thế, không thể kéo dài tình trạng hàng triệu tỷ đồng đầu tư công không ra được trong khi nền kinh tế đang cần tăng trưởng, doanh nghiệp đang cần phục hồi.

Đồng thời, cũng đã bật rõ cơ cấu kinh tế nhị nguyên: một nền kinh tế mà bộ phận đầu tư trong nước - ngoài nước rời rạc với nhau và làm cho xu hướng lệ thuộc xuất khẩu, lệ thuộc khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng lên. Đây là một điểm mấu chốt cần được chú ý, dù đã được nói đi nói lại từ lâu và nhiều lần. Trong bối cảnh một nền kinh tế nhị nguyên, tính phụ thuộc nước ngoài cao có thể khiến cho việc đánh giá kết quả sai nhiều vì nhìn thành tích chung là tốt, nhưng khu vực doanh nghiệp nội địa yếu đi rất nhiều. Trong khi, Đảng đã xác định “nội lực là quyết định”.

Doanh nghiệp yếu, không thể có vĩ mô ổn định

Một vấn đề nữa, đó là những câu chuyện phía sau vĩ mô ổn định. Trong bối cảnh thế giới bất định và suy giảm, lạm phát cao…, chúng ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô, lạm phát thấp. Nhưng, thực tế đó cũng hàm chứa những vấn đề, nghịch lý bên trong. Tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài, nhưng khu vực này không dùng nguồn vốn tài chính trong nước mà dựa vào nước ngoài và việc tiếp cận vốn của họ không ảnh hưởng tới lạm phát trong nước. Trong khi đó, lạm phát thấp do tiền ra ít, nhưng lãi suất lại cao, không bơm tiền ra nên doanh nghiệp nội địa thiếu vốn, khó trụ được. Vấn đề này phải được tháo gỡ, nếu không, doanh nghiệp nội địa sẽ yếu đi. Doanh nghiệp yếu thì không thể có vĩ mô ổn định.

Tiếp nữa là phải tháo gỡ, thay đổi cấu trúc thể chế để khu vực nội địa vươn lên. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, lãi suất cũng được giảm; nhưng môi trường kinh doanh chưa tốt, điều kiện chưa thuận lợi, thời gian thực hiện các dự án vẫn kéo dài. Nếu giảm lãi suất, doanh nghiệp chỉ được giảm được 0,5%-1%/năm hoặc thậm chí 2%/năm; nhưng nếu giảm thời gian thực hiện dự án được 1 năm thì doanh nghiệp giảm được số tiền trả lãi vay là 12%-13%. Như vậy, việc giảm thời hạn thực hiện dự án có lợi hơn cho doanh nghiệp rất nhiều so với việc giảm lãi suất.

Thời gian còn lại của nhiệm kỳ cũng còn rất nhiều khó khăn và thách thức, đe dọa mục tiêu của nhiệm kỳ. Chúng ta tiếp tục khẩn trương cải cách mạnh mẽ, củng cố lực lượng doanh nghiệp Việt để đạt được mục tiêu đặt ra cho 5 năm. Doanh nghiệp mạnh thì đất nước cường thịnh. Và, đất nước cần có những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh làm trụ cột, để cạnh tranh. Thống kê của thế giới cho thấy, tất cả những yếu tố đột phá giúp tăng trưởng nhanh đều gắn với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, gắn với công nghệ, kinh tế số. Nếu Việt Nam dành ưu tiên cho vấn đề này thì tăng trưởng dài hạn sẽ có thay đổi, chất lượng cũng thay đổi và điều này phù hợp với đường lối của Đảng hướng tới kinh tế số, hướng tới công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục