Ngập trong nợ
Trong báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu công bố nửa năm một lần, IMF nêu rõ các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm và những điểm yếu này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu tăng trưởng chậm lại hoặc các ngân hàng tăng mạnh lãi suất. Theo IMF, nhiều chính phủ và công ty ở cả các nước phát triển và đang phát triển đang ngập trong nợ. Ở Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, tỷ lệ nợ công tính theo GDP hiện ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, ở nhiều nước châu Âu, các ngân hàng cũng đang phải gánh quá nhiều trái phiếu chính phủ.
Trao đổi với báo giới, ông Tobias Adrian, Trưởng Bộ phận Thị trường tiền tệ và vốn của IMF, cảnh báo các chính phủ sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng nhu cầu tăng cường quản lý, giám sát trong lĩnh vực tài chính giữa lúc kinh tế toàn cầu đang chững lại. Ngoài ra, căng thẳng thương mại leo thang và nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong hỗn loạn hiện nay cũng đã gây tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư. Theo chuyên gia IMF, các nhà đầu tư có thể bị tác động tâm lý nếu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu giảm tốc nhanh hơn dự báo và các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất trở lại. Ngoài ra, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang hoặc xảy ra một Brexit không thỏa thuận cũng có thể đẩy nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái và sau đó là làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu.
Trước tình hình trên, IMF hối thúc các nước thực hiện những bước đi phòng ngừa, trong đó có việc hạn chế rủi ro tín dụng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng và giảm nợ công ở các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
70% nền kinh tế dự báo giảm tốc
Hôm 9-4 vừa qua, IMF cũng đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của 70% nền kinh tế trên thế giới (Mỹ, Eurozone, Anh, Nhật, Canada, Mỹ Latin, Trung Đông…) trong năm 2019, do các nước phát triển nhất là Eurozone đang gặp khó khăn, và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,3%, giảm 0,2% so với dự báo hồi đầu năm 2019. Trong khi đó, tăng trưởng của Mỹ còn 2,3% (so với năm ngoái là 2,9%), do tác động của các biện pháp kích thích kinh tế đã giảm xuống và chi tiêu ngân sách ít hơn dự kiến. Tại Eurozone, lòng tin của các gia đình và doanh nghiệp sụt giảm. Tăng trưởng của Đức chỉ còn 0,8% (giảm 0,5%) do lĩnh vực xe hơi bị ảnh hưởng bởi các tiêu chí mới về ô nhiễm. Ở Italy, đầu tư giảm xuống, tăng trưởng chỉ khoảng 0,1%. Còn Anh đang gặp khó khăn vì Brexit, các nhà đầu tư do dự, tăng trưởng dự báo là 1,2% (giảm 0,3%).
Nền kinh tế thứ nhì khu vực Mỹ Latin là Mexico chỉ tăng 1,6% (giảm 0,5%) do chính sách của chính phủ, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ. Argentina bị suy thoái trong quý 1, còn Venezuela đang trong khó khăn kinh tế, tiếp tục lao dốc với tỷ lệ suy thoái 10% trong năm 2020. Trung Đông bị ảnh hưởng bởi các xung đột địa chính trị.
Nhưng bức tranh kinh tế toàn cầu không hẳn chỉ một màu đen. Về mặt tích cực, IMF cho rằng các biện pháp của Chính phủ Trung Quốc để kích thích nền kinh tế sẽ giúp tăng trưởng cao hơn dự báo đôi chút, khoảng 6,3%. IMF cũng hoan nghênh một số ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED không tăng lãi suất chỉ đạo. IMF hy vọng tăng trưởng sẽ tiếp tục trong năm tới và dự kiến sẽ là 3,6%. Còn nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath bác bỏ nguy cơ suy thoái toàn cầu trong ngắn hạn.