Tổng thống Vladimir Putin ngày 13-4 phê chuẩn quyết định bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran sau một thời gian dài trì hoãn. Quyết định của Tổng thống Putin được xem là nước cờ táo bạo nhưng có cơ sở khi Mỹ và 6 cường quốc vừa đạt được thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, bước đi này làm phương Tây, nhất là Mỹ cảm thấy khó chịu.
Tờ New York Times ngày 13-4 cho rằng trong khi Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang ra sức thuyết phục Quốc hội và các đồng minh nước ngoài về thỏa thuận hạt nhân với Iran, bước đi của Nga khiến cho Nhà Trắng cảm thấy khó xử. Điều này cũng làm giảm vai trò của Mỹ trong các cuộc đàm phán kế tiếp để đạt được thỏa thuận hạt nhân hoàn chỉnh với Iran. Đồng minh của Mỹ như Israel và Saudi Arabia cũng sẽ gây sức ép với Mỹ nhiều hơn trong đàm phán với Iran khi mà Iran đã có hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại từ Nga.
Nếu Tehran nhận được hệ thống tên lửa này, theo báo New York Times, họ sẽ dễ dàng từ bỏ các cam kết về hạt nhân với phương Tây. Các quan chức Nhà Trắng từ lâu lặp đi lặp lại sự phản đối của Washington trong việc Nga bán tên lửa S-300 cho Iran. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây cũng đã bày tỏ lo ngại với người đồng cấp Nga Lavrov.
Nhìn từ phía điện Kremlin, người Nga không muốn chậm trễ một khi LHQ bãi bỏ các lệnh cấm vận với Iran sau khi có thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Nga đã chờ đợi điều này từ 5 năm trước. Tờ báo trên dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov nói rằng quyết định của Nga bán S-300 cho Iran không hề làm phức tạp các cuộc đàm phán sắp tới về chương trình hạt nhân của Iran mà trái lại sẽ giúp cho các cuộc đàm phán thuận lợi hơn.
Ông Lavrov xem quyết định của Nga bán S-300 cho Iran là nhằm “khuyến khích sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán”. Theo ông, Nga tin rằng các loại hình cấm vận Iran thực sự là cấm vận luôn cả Nga đã hoàn toàn mất tác dụng. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng tên lửa S-300 không đặt ra một mối đe dọa cho Israel vì đây là một loại vũ khí phòng thủ. Còn theo ông Simon Saradzhyan, chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại Trung tâm Belfer của Đại học Harvard, S-300 không thể bảo vệ tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran. Vì vậy nói rằng Iran dựa vào hệ thống tên lửa này để bảo vệ các cơ sở vũ khí hạt nhân (nếu có) của Iran là không chính xác.
Phía Nga cũng có cơ sở trong việc bán S-300 cho Iran khi ông Lavrov ám chỉ đến cuộc không kích gần đây của Liên minh Ả Rập tại Yemen. Ông Lavrov cho rằng Iran cần một hệ thống phòng không mạnh mẽ hơn khi Trung Đông ngày càng bất ổn.
Hơn thế nữa, nền kinh tế Nga trước áp lực của lệnh cấm vận do phương Tây áp đặt liên quan đến tình hình Ukraine dự kiến sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong năm nay. Vì vậy, Nga đang đẩy mạnh phá thế cấm vận, trong đó có khả năng nước này sẽ thực hiện tiếp chương trình đổi dầu lấy hàng hóa với Iran. Các phương tiện truyền thông Nga cho biết Nga và Iran đã đàm phán về việc Nga sẽ mua của Iran 500.000 thùng dầu/ngày trả bằng hàng hóa và thiết bị của Nga.
Ông Andrei A. Klimov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại thuộc Thượng viện Nga nói: “Chúng tôi cần phải suy nghĩ về tương lai của quan hệ đối tác thương mại của chúng tôi. Chúng tôi không muốn chờ đợi bất kỳ ai khác. Đấy là cách cạnh tranh.” Phía Iran đã hoan nghênh quyết định của Nga bán S-300 cho Iran. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran, Reza Talaei-Nik, xem đây là một bước tiến triển trong quan hệ Nga-Iran.
THỤY VŨ