Nước đã hết…

Tiết trời tháng 8 thật oi bức. Cái nóng chưa đến mức hành hạ khủng khiếp như đợt nóng chết người năm 2003 nhưng đủ làm con người ta bức bối, khó chịu. Hôm qua thôi, Cơ quan Khí tượng Pháp lại vừa phải ban hành lệnh báo động nắng nóng ít nhất tại 7 vùng nữa. Không khí nóng, mặt  đất ngoài đường nóng, nhưng có lẽ trong lòng người còn “nóng” hơn. Nóng vì dư  âm bạo loạn ở Anh, nóng vì lượng xe bị  đốt ở Đức và nóng lòng, phấp phỏng vì  sợ ký ức buồn năm xưa sẽ quay lại nay mai.

Sáu năm trước, năm 2005, các cuộc bạo động bắt nguồn từ cái chết do điện giật của 2 thanh niên nhập cư gốc Phi ở Clichy-sous-Bois lan khắp nước Pháp được coi là tình trạng bạo lực tồi tệ nhất tại nước này kể từ Thế chiến II. Trong gần một tháng, có hơn 6.000 ô tô du lịch, hàng chục xe buýt bị phá hủy, gần 2.000 người bị bắt, hơn 30 lính cứu hỏa, 70 cảnh sát bị thương. Chính phủ Pháp phải ra lệnh giới nghiêm và ban hành tình trạng khẩn cấp.

Các vụ bạo loạn được xem là sự biểu lộ nỗi bất bình của giới thanh niên gốc Phi ở Pháp trước cách cư xử của cảnh sát, sự phân biệt chủng tộc, nạn thất nghiệp, thất học... trong xã hội Pháp. Đáng sợ hơn, bạo loạn đã lan sang cả những khu vực nghèo ở châu Âu như Bỉ, Đức và Bồ Đào Nha. Đám thanh niên ra đường vào ban đêm, đốt ôtô, các tòa nhà công cộng, đập phá quán bar, khách sạn, cửa hàng và tấn công người qua đường.

Nay, khởi đầu bạo loạn ở Anh cũng vì nguyên nhân tương tự: có người chết trong lúc đụng độ với cảnh sát, tạo cảm giác bất công và rồi biến thành cuộc nổi dậy rộng rãi, phản đối điều kiện sống khốn khổ dân nghèo phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ. Lại thêm ở Đức,  hàng chục xe hơi bị đốt tuần qua càng làm tăng lo ngại ở các quận vốn im ắng ở Berlin. Cảnh sát vẫn chưa xác định được danh tính của kẻ thực hiện các vụ tấn công. Họ treo thưởng 7.000 USD cho ai có manh mối giúp bắt những kẻ này. Một quan chức chính phủ nhận định các vụ tấn công này là chưa có tiền lệ.

Công việc bận rộn của một bác sĩ như tôi xét ra lại khá thú vị, dù đôi lúc bất lực tột cùng khi chứng kiến nỗi đau của người bệnh. Bệnh nhân đến với phòng khám nhiều lắm, đa chủng tộc. Đôi khi, trong những đêm lướt web tìm tài liệu, lại không thể bỏ qua những tin tức thời sự nóng hổi, rồi vô tình lang thang tìm hiểu về quê hương của bệnh nhân.

Mới giật mình nhận ra rằng đã có Tunisia, Ai Cập, Libya, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha…, nay là Anh, Đức và cả Israel, danh sách các nước có bạo loạn đang không ngừng dài ra. Họ đều là thanh niên nổi giận, bị gọi là người nổi loạn hay bất mãn.

Vậy mà đã từ lâu lắm rồi, lớp thanh niên được coi là đại diện vàng trong những hoạt động lành mạnh nhất: liên hoan âm nhạc hay thể thao, có hẳn Ngày thanh niên thế giới. Nhưng giờ, họ lại đại diện cho tiêu cực: thất nghiệp và bất an, mối đe dọa cho hiện tại và mối lo của tương lai.  

Tuổi trẻ không nguy hiểm. Và những bài học trấn áp của cảnh sát sẽ vĩnh viễn không giải quyết được tận gốc rễ khi Anh, Pháp hay bất cứ nước nào lâm vào tình cảnh tương tự khi phải đối mặt với vấn đề xã hội. Đến lúc này, các vùng ngoại ô Pháp vẫn tạm thời yên tĩnh. Nhưng sự yên tĩnh ấy được bao lâu?

Nhà văn da đen James Baldwin quay về Mỹ sau thời gian dài sống ở Pháp từng cảnh báo: Nước đã hết, lần tiếp theo sẽ là đám cháy.  E rằng lời cảnh báo này không chỉ dành cho nước Pháp mà là cả châu Âu.

Huyền Tâm

Tin cùng chuyên mục