Nước Mỹ bước vào ngày bầu cử đầy kịch tính


Sáng sớm 3-11 (theo giờ Mỹ, tối 3-11 giờ Việt Nam), cử tri toàn nước Mỹ bắt đầu ngày bầu cử chính thức, bỏ lá phiếu thực hiện một chọn lựa quan trọng: Tổng thống Donald Trump sẽ có thêm 4 năm nhiệm kỳ ở Nhà Trắng hay thay vào đó là chủ nhân mới - ông Joe Biden. 

Trước đó, theo khảo sát của kênh CNN, Edison Research và Catalist, có hơn 100 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm. Số phiếu bầu cử sớm này chiếm hơn 47% số cử tri đã đăng ký trong cuộc bầu cử năm nay, trong đó 21 bang và thủ đô Washington D.C đã chứng kiến hơn 50% số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu sớm. 

Quá trình kiểm phiếu

Rạng sáng 3-11 (theo giờ Mỹ), cử tri ở 2 thị trấn nhỏ gồm Millsfield và Dixville Notch thuộc bang New Hampshire là những người đầu tiên bỏ phiếu. Thị trấn Hart’s Location không duy trì được truyền thống bỏ phiếu sớm này do đại dịch Covid-19. 

Nhiều cử tri Mỹ chọn cách bỏ phiếu qua thư thay vì đến điểm bỏ phiếu trực tiếp vì lo ngại nhiễm Covid-19. Phiếu bầu qua thư thường cần nhiều thời gian để xử lý hơn do đó dẫn đến khả năng chưa thể xướng tên người chiến thắng ngay khi hết giờ bỏ phiếu vào tối 3-11 (trưa 4-11, giờ Việt Nam). 

Cử tri Mỹ đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách khi đi bầu 

Theo AP, tại một số bang, nhân viên kiểm phiếu có thể bắt đầu công việc sau khi hết giờ bỏ phiếu. Thậm chí, có nơi quy định những phiếu bầu qua thư chỉ được kiểm sau ngày bầu cử. Ví dụ tại New York, phiếu bầu qua thư chỉ được kiểm đếm từ ngày 6-11 và các nhân viên kiểm phiếu phải kiểm tra người bỏ phiếu có gian lận khi bầu trực tiếp hay chưa. Đặc biệt, tại bang Nevada, phiếu bầu qua thư nhận được 7 ngày sau ngày 3-11 vẫn được kiểm đếm miễn có dấu bưu điện vào ngày 3-11. Tại North Carolina là 9 ngày sau ngày 3-11. Cho dù kết quả chung cuộc có khả năng chưa được làm rõ sau khi hết giờ bỏ phiếu nhưng kết quả tại một số bang chiến địa như Florida (29 phiếu đại cử tri) hay Georgia (16 phiếu đại cử tri) có thể là dấu chỉ cho thấy ai sẽ chiến thắng. Cả hai bang này đều cho phép xử lý phiếu bầu từ sớm và hạn chế việc nhận phiếu đến trễ sau khi hết giờ bầu cử.

Sau khi các phòng phiếu đóng cửa, các hãng truyền thông lớn của Mỹ sẽ sử dụng các mô hình bầu cử để dự đoán xem ai giành chiến thắng trong tất cả các cuộc đua khác nhau. Các mô hình này dựa trên nhiều dữ liệu khác nhau, chẳng hạn như các cuộc thăm dò khi rời phòng phiếu (phỏng vấn cử tri tại các điểm bỏ phiếu) và các phiếu bầu thực tế do các quan chức địa phương đếm, sau đó đưa vào cơ sở dữ liệu. Các cơ quan truyền thông này sẽ “tính” một tiểu bang vào cột của ứng cử viên họ tin có vị trí dẫn đầu dù kết quả chưa được công bố. Đây vẫn chỉ là dự đoán và không phải kết quả cuối cùng.

Tổng thống Trump sẽ tiếp tục thế nào?

Theo CNN, một chính sách hướng về miễn dịch cộng đồng nhiều khả năng xuất hiện hơn nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Cách tiếp cận đó, mà các chuyên gia cho rằng có thể cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn người, được Scott Atlas - Cố vấn chính sách về phòng chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng - ủng hộ. Tổng thống Donald Trump khẳng định tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang có xu hướng đảo chiều và đưa ra cáo buộc y giới thổi phồng số người tử vong dù không đưa ra được bằng chứng.

Về chính sách, Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ ưu tiên phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn bất kỳ nỗ lực nào để kiểm soát đại dịch đang diễn biến ngày càng tồi tệ. Chiến thắng của ông Donald Trump sẽ gây ra hậu quả đối với các kế hoạch sức khỏe của hàng triệu người Mỹ, các chính sách nhập cư cứng rắn có thể kéo dài sự bất ổn quốc gia vì nạn phân biệt chủng tộc. Và ông Donald Trump vẫn chưa biết làm thế nào thay thế Obamacare.

Có những lo ngại ở châu Âu cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump sẽ làm suy yếu thêm liên minh xuyên Đại Tây Dương và thậm chí có thể khiến sự tồn tại của NATO bị nghi ngờ. Ở châu Á, sự ác cảm của ông Donald Trump đối với việc triển khai quân đội của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong thế trận an ninh toàn cầu của Mỹ. Chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể sẽ gia tăng, cũng như cuộc đọ sức với Iran. 

Ông Biden thực hiện cam kết ra sao?

Bằng cam kết sẽ khôi phục “linh hồn” của quốc gia, ông Joe Biden - có khả năng là cú hích cuối cùng của thế hệ ông lên nắm quyền - hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền dân chủ, sự chính trực, sự đồng cảm và chủ nghĩa quốc tế mà ông cáo buộc đã bị bóp chết dưới thời ông Donald Trump. Tại Đại hội quốc gia đảng Dân chủ, ông Biden kêu gọi: “Đây là một cuộc bầu cử thay đổi cuộc đời, sẽ quyết định tương lai của nước Mỹ trong một thời gian rất dài”.

Ông Biden đang cố gắng khôi phục vai trò của chính phủ trong việc tìm cách thúc đẩy lợi ích kinh tế và sức khỏe của người Mỹ, theo truyền thống gắn kết các cựu Tổng thống từ Franklin Roosevelt, Lyndon Johnson và Barack Obama. 

Cũng như ông Trump, ông Biden sẽ đối mặt với những thách thức lớn. Tuy nhiên, những cơ hội để nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden đưa nước Mỹ trở lại với thời kỳ đỉnh cao của một đất nước thống nhất và ổn định là rất xa vời. 

Sự không chắc chắn về vận mệnh của thượng viện cũng được đặt ra. Ngay cả khi đảng Dân chủ giành lại được ghế, thế đa số của họ khó có thể nhiều hơn một vài ghế - và liên minh đảng cầm quyền có thể bao gồm các thành viên cực kỳ tự do và các nhà lập pháp mới đến từ một số bang bảo thủ hơn…, có thể làm phức tạp ý định thống nhất yên bình. Cho dù ai làm tổng thống cũng sẽ bị chi phối bởi nỗ lực ngăn chặn đại dịch trước tiên, sau đó bắt đầu khôi phục kinh tế sau khi loại bỏ dịch bệnh nhờ vào vaccine, có thể khiến nhiều người nản chí.

- Những bài đăng trên Twitter để tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cử tri khi chỉ còn vài giờ nữa hàng loạt điểm bầu cử sẽ chính thức được mở.

- Sáng 3-11, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cùng vợ và hai người cháu đã đến nhà thờ gần nhà để cầu nguyện và thăm mộ người con trai trưởng là cựu Tổng Chưởng lý bang Delaware, đã qua đời vì ung thư não năm 2015 ở tuổi 46.
- Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Chương trình Fox & Friends qua điện thoại, Tổng thống Donald Trump cho biết ông cảm nhận rất rõ về cơ hội chiến thắng của mình và dự đoán sẽ giành được ít nhất 306 phiếu đại cử tri như năm 2016 và thắng lớn tại các bang chiến trường. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ chỉ tuyên bố chiến thắng “khi có chiến thắng”. Ông Trump cũng từng thừa nhận ông “mê tín” khi gọi cho Chương trình Fox & Friends trước mỗi cuộc bầu cử vì tin rằng điều này sẽ đem lại may mắn.

- Theo dữ liệu của bang Florida được cập nhật vào sáng 3-11 (giờ Mỹ), gần 9,1 triệu cử tri của bang này đã đi bỏ phiếu, tương đương với khoảng 95% trong tổng số 9,6 triệu phiếu bầu của bang này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Số phiếu bầu cử sớm của các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ hiện nhiều hơn khoảng 115.000 phiếu so với số cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa. Con số này đã tăng thêm khoảng 7.000 phiếu bầu so với hôm 2-11, qua đó giúp đảng Dân chủ vượt lên trên đảng Cộng hòa trong 2 ngày liên tiếp sau khoảng 2 tuần đảng Cộng hòa giành vị trí dẫn đầu thông qua bỏ phiếu trực tiếp sớm ở bang Florida. Gần 2 triệu cử tri trung lập cũng đã đi bỏ phiếu ở Florida. Hoạt động bỏ phiếu sẽ kết thúc vào lúc 19 giờ (sáng 4-11 giờ Việt Nam) ở bang này. Đệ nhất phu nhân Melania Trump đi bỏ phiếu trực tiếp tại Palm Beach, bang Florida, sau chồng bà 10 ngày. 

Nước Mỹ bước vào ngày bầu cử đầy kịch tính ảnh 2 Ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới?

Florida là bang nhất định phải thắng đối với cả Tổng thống Donald Trump và ông Joe Biden. Lịch sử cho thấy người chiến thắng tại bang này luôn trở thành tổng thống trong các cuộc bầu cử từ năm 1964, trừ một ngoại lệ.

- Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy tồn tại “yếu tố bên ngoài” tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

- Khảo sát của Washington Post cho thấy ông Biden hiện đang dẫn ông Trump 5% tại bang chiến địa Pennsylvania. 

-  Các bang đa phần đều khuyến khích cử tri nên đeo khẩu trang. Tại Ohio, nếu cử tri không đeo khẩu trang sẽ được phát miễn phí. Nếu cử tri không đồng ý đeo khẩu trang phải bỏ phiếu ngoài đường để tránh đám đông. Tại các khu vực khác như hạt Nashua, bang New Hampshire, ủy ban bầu cử của bang đã sắp xếp một hàng riêng biệt cho những người không đeo khẩu trang. Còn hạt Londonderry, bang New Hampshire, có khu bầu cử riêng biệt dành cho những người không đeo khẩu trang.

- Thăm dò được Gallup công bố ngày 3-11 cho biết, theo cuộc khảo sát mới nhất, 56% người Mỹ hài lòng với chiến dịch tranh cử của ông Biden, trong khi 46% ủng hộ chiến dịch của ông Trump. Cuộc thăm dò cũng cho thấy 90% cử tri của đảng Dân chủ và Cộng hoà nói rằng họ hài lòng với chiến dịch tranh cử của hai ứng viên đại diện cho mỗi đảng. Trong khi đó những người tự nhận là cử tri độc lập đánh giá cao phần thể hiện của ông Biden hơn ông Trump với tỷ lệ lần lượt là 55% và 39%.

Tin cùng chuyên mục