
Anh bạn tôi ở Washington dừng xe đổ xăng đưa ra một nhận xét - cách đây vài năm một gallon xăng có giá bằng 1 gallon nước, thế nhưng giờ đây 1 gallon xăng đã tăng giá gấp 3 lần. Cái khó khăn của nền kinh tế Mỹ có điểm gì đó tương đồng với Việt Nam ít nhất là giá cả đang leo thang. Trước kia chỉ với 1 USD là đã có thể có một cái hamburger, còn giờ thì loại rẻ nhất quảng cáo của Burger King cũng phải mất hơn 3 USD.
Chuyện đời sống nóng hơn chuyện ai vào Nhà trắng

Một người lang thang ngủ trong công viên bị cảnh sát kiểm tra nhân thân.
Anh tour guide vui vẻ giới thiệu các nét cổ kính của thủ đô Washington DC. Tháp bút chì cao 555 feet (khoảng 170 m), xây từ giữa thế kỷ thứ 18 là mốc chuẩn cho các tòa nhà toàn thành phố không vượt qua, là biểu tượng của thành phố. Washington DC đẹp với kiến trúc cổ của nhiều tòa nhà không cao lắm.
Thế nhưng sau cái nét cổ kính đó vẫn có một nước Mỹ hiện đại với muôn sắc thái - nước Mỹ của người lang thang, của những kẻ quái đản đến mức… tâm thần, nước Mỹ của cơn suy thoái kinh tế.
Mặc cho cái giá lạnh của độ âm vẫn có những căn lều chắp vá nằm trong hiên nhà cao tầng. Một anh chàng Mỹ gốc Latinh trước siêu thị chặn tôi lại xòe ra cho thấy mấy đồng xu trong tay để xin thêm tiền lẻ cho đủ mua một chiếc bánh mì. Còn “American Idol” trên truyền hình thì lại trình chiếu cả thí sinh mặc quần lót vào thi trước 3 vị giám khảo!
Nếu nhìn toàn cục thì hẳn nhiên chuyện giá cả đời sống vẫn là vấn đề nóng hơn cuộc chiến giành chiếc ghế vào Nhà trắng mà mỗi ngày ti vi phát liên tục đầu mỗi bản tin. Dù tổng thống tới đây thuộc đảng nào đi nữa thì người dân cũng đang mong muốn có giải pháp trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế vốn được coi là mạnh nhất thế giới, còn chuyện chiến tranh xem ra dân Mỹ cũng đã quá chán ngán.
Nguy cơ của cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm nhức đầu chính quyền Bush trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Nhiều dân Mỹ cho rằng khi về vườn thì Bush đã làm một động tác vừa để lấy lòng dân chúng cho Đảng Cộng hòa, vừa để vực dậy nền kinh tế bằng cách hoàn thuế cho mỗi người dân 300 USD. Dân Mỹ đã lạc quan vì tin này nhưng chắc cũng không lâu vì ở Mỹ hết tiền là hết… chuyện.
Đời sống của người dân Mỹ cũng như bà con Việt kiều cũng chịu ảnh hưởng bởi sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ. Mức lương tối thiểu quy định ở Mỹ là 7USD/giờ, thế nhưng không phải cơ sở tư nhân nào cũng trả từ con số này trở lên nhất là đối với các lao động tay chân, lao động nhập cư.
Mùa bầu cử ở Mỹ đã đến nhưng chuyện đấu đá trong nội bộ hai đảng không được người dân quan tâm nhiều hơn chuyện… bánh mì vì tỷ lệ cử tri đi bầu ở Mỹ không cao, chỉ khoảng hơn 50% - nhất là giới trẻ hiện nay cho rằng bầu cho ai cũng chả làm thay đổi được gì! Nhiều quy định rắc rối trong việc bầu cử sơ bộ của hai đảng càng làm cho giới trẻ Mỹ không mấy thích đến các phòng bỏ phiếu! Chuyện thời tiết mùa băng giá còn được quan tâm hơn chuyện bầu cử.
Đời sống người Việt trong cơn “bão” giá

Một người Việt đang bày rau quả trên lề đường đi tại khu thương mại Eden ở Washington.
Một gia đình Việt kiều ở San Francisco thường phải mướn nhà với giá trung bình 1.300USD/tháng cộng với ăn uống, điện nước cũng tốn ngót nghét 2.000USD. Ông chồng đi làm công nhân với mức lương khoảng 10 - 15 USD/giờ trên tổng số 160 giờ tối thiểu trong tháng thì thu nhập cũng chỉ đủ chu cấp cho bà vợ ở nhà nuôi con.
Hầu như ai cũng phải làm ngoài giờ, làm thêm job (công việc) để kiếm tiền dành dụm. Nếu cả vợ chồng đều đi làm thì lại phải mất tiền giữ con lên đến 50USD/ngày. Xem ra dân lao động ở Mỹ cũng không phải dễ sống trước tình hình vật giá hiện nay.
Thông tin trả về Việt Nam những người Việt vi phạm pháp luật hay nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ cũng là chuyện thời sự trong cộng đồng Việt Nam lúc này. Mỗi năm Mỹ cấp khoảng 66.000 visa cho lao động nước ngoài nhập cư trong đó đa số là từ các nước Mỹ Latinh, các nước có chung biên giới với Mỹ.
Riêng con số dân nhập cư lậu vào Mỹ ngày càng gia tăng, con số không chính thức ước lượng số người nhập cư bất hợp pháp này lên đến gần 12 triệu. Tuy nhiên số người Việt nhập cư bất hợp pháp không nhiều so với các cộng đồng khác. Đã có khoảng hơn 6.000 người Việt được cho là sẽ bị trục xuất về Việt Nam theo một hiệp định đã ký giữa hai nước.
Thực ra việc trục xuất về nước đã được Mỹ thực hiện đối với một số nước đã có ký kết với Mỹ lâu nay. Đối với Việt Nam đây là lần đầu tiên thực hiện chương trình hồi hương này nên đã trở thành câu chuyện cửa miệng khi gặp nhau trong cộng đồng Việt.
Theo một quan chức phụ trách về nhập cư tại bang Alabama thì vẫn còn chưa định hình một luật lệ nghiêm khắc để trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp, vì ngay trong giới làm luật của Mỹ vẫn có những ý kiến cho đó là việc cần làm nhưng cũng có ý kiến cho rằng vì lý do nhân đạo không nên trục xuất những người nhập cư lậu trừ những người có... tiền án, tiền sự.
Chuyện việc làm của người lao động
Việc làm là mối quan tâm của đông đảo người lao động. Theo Sở Lao động bang New York thì chỉ khoảng 20% số người lao động có hợp đồng lao động với giới chủ bằng văn bản hẳn hòi, 80% còn lại chỉ hợp đồng… miệng và chỉ được bảo vệ sau khi xảy ra bất đồng với giới chủ. Do đó, sở còn có bộ phận thanh tra chuyên đi kiểm tra mức lương tối thiểu để bảo vệ công nhân tại các cơ sở, cửa hàng tư nhân khi bị giới chủ trả quá… bèo.
Local One, một tổ chức liên hiệp công nhân trong ngành âm thanh ánh sáng cho các rạp hát và công nghệ trình diễn, ra đời cách đây hơn 120 năm, cuối năm ngoái lần đầu tiên lãnh đạo cuộc đình công.
Ông Robert Score, thư ký của Local One, cho biết sau đình công của hơn 2.200 đoàn viên, Local One vừa đạt được một hợp đồng lao động tập thể ký với giới chủ để đòi mức lương mới cao hơn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, theo ông bất cứ ai có một gia đình và sống trong một thành phố lớn như New York đều chắc chắn có nhiều lo lắng trước tình trạng việc làm và đời sống của gia đình mình.
Không mấy khó khăn nhận ra rằng chuyện Mỹ có nhiều cái khác người, nhất là trong thời kỳ tiền… khủng hoảng mà nếu chỉ mô tả nước Mỹ qua một góc cạnh hay một địa phương thì cứ như người mù sờ… voi. Bởi lẽ mỗi bang có nhiều khác biệt về văn hóa, luật pháp, lối sống, thói quen… Thế mới là Hợp chủng quốc!
Vũ Sơn