Nước sạch Cần Giờ chưa sạch

Sau khi nhà máy lọc nước đi vào hoạt động, mới đây đường ống nước sạch từ quận 7 vượt phà Bình Khánh về huyện đảo Cần Giờ đã cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, hàng chục ngàn người dân Cần Giờ lại đối mặt với nguồn nước sạch chưa… sạch.
Nước sạch Cần Giờ chưa sạch

Sau khi nhà máy lọc nước đi vào hoạt động, mới đây đường ống nước sạch từ quận 7 vượt phà Bình Khánh về huyện đảo Cần Giờ đã cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, hàng chục ngàn người dân Cần Giờ lại đối mặt với nguồn nước sạch chưa… sạch.

Nước đục về xã

Mắt ngó mông lung về bến phà Bình Khánh, ông Lê Bá Hùng, nhà số 688, ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, cho biết: “Tôi là dân cố cựu ở huyện Cần Giờ. Bây giờ đỡ lắm rồi, lúc trước phải “đổi nước” (thuê người gánh nước từ trạm về nhà, mỗi gánh gồm 2 thùng, mỗi thùng khoảng 20 lít) với giá rất cao. Kể từ khi khởi công xây dựng tuyến đường Rừng Sác, ống nước từ vệ tinh (các đại lý nước ở khu vực) được chuyển đến từng nhà cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, lúc đó nước bị ô nhiễm, vừa đục, vừa có màu vàng và vị đắng. Do vậy, sáng nào chúng tôi cũng phải đổ bỏ cả chục ca nước mới đánh răng, rửa mặt được. Nhà ở bến phà Bình Khánh, vợ chồng tôi mở quán bán cà phê. Khách cũng lai rai nhưng ngày nào cũng bị khách phàn nàn vì nước trà mặn chát. Ly trà đá có 500 đồng, chẳng lẽ mua chai nước suối mấy ngàn về pha, chịu sao thấu”.

Dù người dân súc lu thường xuyên và đổ bỏ một phần nhưng nước vẫn đục.

Dù người dân súc lu thường xuyên và đổ bỏ một phần nhưng nước vẫn đục.

Len lỏi trong các con hẻm rộng rãi đã được tráng bê tông ở ấp Bình Trường, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Đình Luận, bà Phùng Thị Tư, ông Hồ Văn Châu… Hầu hết các lu chứa nước đều đục ngầu, khi khuấy mạnh và để lắng vài giây, dưới đáy lu đóng một lớp cặn màu nâu vàng. Bà Phùng Thị Tư cho biết: “Mấy tháng nay, nhà tôi không thể giặt đồ. Cứ 2-3 ngày, tôi phải súc, rửa lu. Vậy mà hàng ngày, bà con vùng này muốn xài nước thì phải đổ bỏ hơn nửa lu. Khổ nhất là quần áo trắng học sinh, đều ngả sang màu vàng”. Tồn tại trên không chỉ diễn ra ở xã Bình Khánh mà còn tại các xã còn lại của huyện Cần Giờ. Bà Nguyễn Thị Yến, ở xã Long Hòa, tâm sự: “Nước về tận nhà nhưng không dám uống. Con trai tôi dùng bình lọc nhưng chỉ 3 bữa phải chùi rửa bộ lọc”.

Nước vượt sông

Bà Trần Thị Hoàng Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khánh, cho biết: “Địa phương tôi có gần 20.000 nhân khẩu. Trước nay, bà con xài nước của Nhà máy xử lý nước lợ Công ty Đặng Đoàn Nguyễn. Tháng 4-2011, nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn từ quận 7 đã về đến Cần Giờ. Đây là sự quan tâm của Đảng, chính quyền TP với bà con huyện đảo. Tuy nhiên, do là giai đoạn đầu, nước chưa về đủ và chỉ có một số cụm dân cư ở các xã Bình Khánh, Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh được sử dụng nguồn nước từ TP. Cụ thể, xã Bình Khánh có khoảng 7.700 nhân khẩu ở một phần ấp Bình Trưng, Bình Phước, Bình Mỹ được sử dụng nguồn nước sạch; số bà con còn lại vẫn phải tiếp tục sử dụng nước của công ty”.

Được biết, do áp lực nước chưa đủ, nên nước từ Công ty Đặng Đoàn Nguyễn hay Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đều chuyển về bồn chứa của các vệ tinh. Nước từ bồn của các vệ tinh theo đường ống nội bộ về các hộ dân. Ông Trần Văn Xem, một vệ tinh ở xã Bình Khánh, cho biết: “Tôi làm nghề này đã hơn chục năm, từ khiêng máy bơm, kéo ống đến từng lu của từng hộ gia đình. Cách đây vài năm, tôi đầu tư hơn 2 tỷ đồng để trang bị 3 bồn chứa khoảng 200 khối nước và kéo đường ống ngầm phục vụ cho 356 hộ dân. Bà con có than phiền vì nước càng ngày càng đục và không thể sử dụng. Tôi đã nhiều lần súc rửa bồn chứa nhưng tình trạng vẫn chưa được khắc phục”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hơn một năm trở lại đây, độ mặn của nước sông Lòng Tàu, nơi đặt nhà máy xử lý nước lợ của Công ty Đặng Đoàn Nguyễn ngày càng tăng. Do vậy, nhà máy đang tăng công suất xử lý và có văn bản xin phép TP cho phép nâng cấp nhà máy. Ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Theo kế hoạch, sớm nhất đến năm 2017, nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn mới cung cấp đủ cho dân trong huyện. Chúng tôi đã lấy nguồn nước ở Công ty Đặng Đoàn Nguyễn đi xét nghiệm và đề nghị nhà máy súc rửa bồn chứa liên tục nhưng đến nay chất lượng nước vẫn chưa ổn định”. Theo thống kê, nguồn nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn chỉ phục vụ cho khoảng 40% số hộ ở huyện đảo duy nhất này và số hộ còn lại vẫn ngày đêm trông chờ nguồn nước sạch.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục