Nước và tăng trưởng

Các chuyên gia khẳng định để có được tăng trưởng bền vững và ổn định, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương không còn cách nào khác ngoài đánh giá đúng tầm quan trọng trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Để đạt được điều đó, hướng tiếp cận mới là vô cùng cần thiết.

Các chuyên gia khẳng định để có được tăng trưởng bền vững và ổn định, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương không còn cách nào khác ngoài đánh giá đúng tầm quan trọng trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Để đạt được điều đó, hướng tiếp cận mới là vô cùng cần thiết.

Những tư vấn được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các nước tại châu Á - Thái Bình Dương nhiều khả năng không thể đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về giảm một nửa trong tổng số người dân không được tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh cơ bản vào năm 2015. Tân Hoa xã dẫn báo cáo về tiến trình thực hiện MDG của WHO/UNICEF công bố năm 2012 cho hay, chỉ có 2 quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc đạt được MDG về cung cấp nước sạch đến cho người dân trong năm 2010. 2 nước này hiện vẫn còn 216 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước an toàn. Trong khi đó, báo cáo Toàn cảnh phát triển tài nguyên nước châu Á (AWDO) của ADB và Diễn đàn nước châu Á - Thái Bình Dương (APWF) năm 2013 nêu rõ 37/49 quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng nguồn nước. Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương nằm trong danh sách những điểm nóng về vấn đề này.

Châu Á không đạt được MDG được xem là một nghịch lý, khi mà khu vực này đang là nơi tập trung nhiều nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, mạnh trên thế giới. Dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa dữ dội, thiếu đầu tư, chính sách quản lý lỗi thời là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ước tính, châu Á cần phải đầu tư 59 tỷ USD để mở rộng việc cung cấp nguồn nước an toàn, trong khi cải thiện vệ sinh môi trường cần phải có 71 tỷ USD.

Các chuyên gia khẳng định để giải quyết vấn đề đang tồn tại của châu Á, quan trọng hơn cả là tìm kiếm cách thức quản lý nguồn tài nguyên nước hợp lý. Ian Makin, chuyên gia hàng đầu về nguồn tài nguyên nước tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng một trong những hướng tiếp cận mới đó là châu Á phải áp dụng mô hình quản lý tập trung đối với kiểm soát nguồn nước và vệ sinh môi trường. Giám đốc về phát triển các thành phố tại khu vực Đông Nam Á của ADB Amy Leung đặc biệt lo ngại vấn đề vệ sinh môi trường tại châu Á. Hiện 690 triệu người dân trong khu vực đang và có thể phải tiếp tục sử dụng những nhà vệ sinh lộ thiên và đối mặt với nhiều mối đe dọa cho sức khỏe. Trong 2 nước đạt được mục tiêu về cung cấp nguồn nước sạch, chỉ có Trung Quốc là đạt được một số tiến bộ về vệ sinh môi trường. Còn với Ấn Độ, hơn 600 triệu người vẫn phải sử dụng các nhà vệ sinh không đảm bảo.

Trong khi đó, công tác quản lý của các nước chưa thiết thực. “Rất nhiều quốc gia vẫn còn tồn tại hiện tượng nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm về quản lý tài nguyên nước. Điều này thường dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên, trong đó có nước, con người và tài chính”, ông Makin nói. Đồng quan điểm với ông Makin, bà Leung cũng cho rằng sẽ không đạt được kết quả khả quan nào nếu không loại bỏ sự quản lý chồng chéo của các cơ quan chức năng. Một vấn đề mà ông Makin cũng hết sức lưu ý để cải thiện phương pháp quản lý là dựa vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia sao cho quản lý mang lại hiệu quả cao nhất. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục