Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách

Những ngày này, nhiều nơi đã náo nức, nhộn nhịp bước vào mùa Giáng sinh và tết, thế nhưng theo nhận định của một số nhà phát hành lớn, thị trường sách cuối năm nay nhìn chung lại khá vắng lặng - thêm một nét buồn cho diện mạo vốn không vui của văn hóa đọc.

Sao nhãng việc đọc, đó là căn bệnh trầm kha, khá phổ biến hiện nay, không chỉ ở đại chúng mà dường như có cả trong giới trí thức, những người có sứ mạng thắp sáng tri thức cho cộng đồng. Đáng ngại hơn là chuyện lười đọc ở các bạn trẻ - lứa tuổi đang trên bệ phóng, đang cần tích lũy tri thức để mai này có thể bay cao, bay xa. Đã có nhiều lý giải cho sự giảm sút ham mê đọc sách. Đó là sự phát triển đa dạng và có phần lấn lướt của nhiều kênh thông tin, giải trí mới lạ, hấp dẫn. Hơn nữa, những bộn bề lo toan cho cuộc sống khiến nhiều người cũng ít quan tâm đến sách.

Giá sách của chúng ta hiện còn khá cao so với thu nhập của người dân, sách văn học trung bình khoảng 100.000 đồng/cuốn. Cuộc sống còn có nhiều nhu cầu khác thiết yếu hơn, đành tạm gác chuyện đọc, vậy nên văn hóa đọc cũng khó bề phát triển. Thói quen đọc sách giảm còn bởi con đường từ sách đến bạn đọc cũng có nhiều trắc trở. Hệ thống thư viện, phòng đọc sách, nhìn chung chưa đáp ứng với nhu cầu độc giả. Một nguyên nhân sâu xa nữa đáng nói là ngay từ học đường, các em học sinh thay vì được khuyến khích đọc thêm nhiều để mở mang kiến thức thì lại bị nhồi nhét khối đồ sộ những kiến thức “đóng khuôn” sẵn tới mức ít còn khoảng trống thời gian để rong ruổi trên những trang sách. 

Để hòa nhập với cuộc sống mới năng động, đang cuồn cuộn chảy, đòi hỏi mỗi chúng ta sự dồi dào về năng lực, mà đọc là con đường ngắn nhất để góp nhặt, tích lũy tri thức. Sách như người bạn chân tình, cũng là người thầy uyên bác cho chúng ta những lời khuyên hữu ích. Ở đó, người viết qua đứa con tinh thần của mình, đã chắt chiu, nghiền ngẫm, vắt kiệt sức lực để cống hiến cho độc giả những gì tinh túy nhất mà người đời vẫn xem đó như món quà tặng tâm hồn. Đọc sách giúp tăng cường khả năng tư duy, góp phần hình thành và phát triển nhân cách, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, giúp mỗi chúng ta hoàn thiện hơn, biết trân trọng hơn những giá trị đích thực của cuộc sống. Một khía cạnh thiết thực nữa, tri thức mà chúng ta tiếp nhận qua đọc sách còn làm giàu có thêm những hiểu biết về nghề nghiệp, từ đó mang lại hàm lượng chất xám cao hơn trong công việc, cống hiến nhiều và hiệu quả hơn cho xã hội. 

Niềm mê say đọc phải được vun đắp ngay từ tấm bé, sức sống của văn hóa đọc cần được nuôi dưỡng trong mỗi cá thể, dưới mỗi nếp nhà, ngôi trường và tự lúc nào đó, mỗi người sẽ cảm nhận đọc sách như một nhu cầu thiết yếu. Để phát triển văn hóa đọc, người dân cũng cần có một hệ thống thư viện tốt, là nơi lưu trữ và luân chuyển sách báo, tài liệu, cung cấp thông tin cho mọi đối tượng bạn đọc có nhu cầu… Sự định hướng cho bạn đọc trong thời buổi này là hết sức cần thiết bởi thị trường sách Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú, sách hay có nhiều nhưng sách “nhảm” cũng không ít. Một số kênh truyền hình và các báo đài đã có chương trình giới thiệu những cuốn sách hay khá tốt nhưng lượng sách được giới thiệu cũng còn quá ít so với số đầu sách được in.

Tổ chức những sự kiện qua đó đưa sách đến với bạn đọc, khuyến khích việc mua và đọc sách là điều rất cần thiết. Hội sách TPHCM được tổ chức định kỳ cũng trở thành một tâm điểm thu hút đông đảo bạn đọc với rất nhiều đầu sách phong phú và giá ưu đãi khá hợp với túi tiền vốn ít ỏi của những người mê sách. Giảm giá sách cũng là giảm bớt cách trở để các bạn trẻ với thu nhập eo hẹp vẫn có thể đến được với đầu sách hay, những tác phẩm có giá trị. UNESCO đã có “Ngày sách và bản quyền thế giới” để khuyến khích việc đọc sách; nước ta cũng lấy ngày này làm “Ngày hội sách Việt Nam”. Vậy là có thêm một ngày để nuôi dưỡng và khích lệ niềm đam mê đọc sách. Điều này bao hàm ý nghĩa lớn lao hơn khi chúng ta đang dày công xây dựng một xã hội học tập, một nền kinh tế tri thức.

TRẦN BẠCH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục