Chăn nuôi kỹ thuật cao
Địa danh Lỗ Bom trước kia vốn vùng sình lầy sạt lở, choáng nhiều diện tích đất của người dân ở thôn Khoa Trường (xã Ân Đức, huyện Hoài Ân). Tưởng nơi hóc hiểm chẳng thể nuôi trồng được cây con gì sẽ bị bỏ hoang hóa. Thế nhưng, năm 2006, một người phụ nữ đến chọn nơi đây khởi dựng cơ nghiệp chăn nuôi heo tiền tỷ. Chỉ hơn 4 năm, xứ Lỗ Bom đã được phục hóa trở thành một trang trại chăn nuôi heo sạch bậc nhất huyện Hoài Ân.
Người phụ nữ đó là bà Lê Thị Liễu (47 tuổi, thôn Khoa Trường). Theo bà Liễu, để mở trang trại ở Lỗ Bom, doanh nghiệp của bà đã mất rất nhiều thời gian bạt đất đồi, lấp những hố sình lầy, hố nước sâu tạo mặt bằng. “Mất gần 3 năm phục hóa xứ Lỗ Bom, đến 2018 mới hình thành được các khu trang trại và thả nuôi được lứa heo sạch đầu tiên. Ngày đầu nuôi heo gian nan lắm, giá heo liên tục rớt khiến chúng tôi thất thu nặng. Mỗi năm tôi buộc phải nuôi thêm 50 con bò theo mô hình VietGAP để cầm cự, trả lương công nhân chờ thời cơ mới”, bà Liễu nói.
Mô hình chăn nuôi heo của bà Liễu được áp dụng theo công nghệ của một doanh nghiệp ở Hà Nội, heo được nuôi theo một chuỗi tuần hoàn khép kín. Theo đó, heo con đầu vào được thả nuôi tại sàn úm (dành cho heo con), ăn các loại men và dung dịch trùn quế để kích thích ăn và tạo hệ miễn dịch kháng thể ban đầu. Đến khi đạt khoảng 20kg thợ sẽ đưa heo sang nuôi dưới đệm lót sinh học (chuồng vi sinh), heo lớn đến 40 - 50kg đưa xuống chuồng có hồ tắm…
Như thế con heo trong vòng đời sẽ di chuyển theo dây chuyền chăn nuôi đầy đủ, kỹ lưỡng, được hưởng các phúc lợi. “Chăn nuôi theo chuỗi tuần hoàn như thế rất thân thiện với môi trường, hầu như heo trong vòng đời của nó rất ít chất thải, nếu có chúng tôi cũng tận dụng để bón phân các vườn rau, thảo mộc, dược liệu…”, bà Liễu nói.
Dùng thảo mộc làm thức ăn
Từ mô hình chăn nuôi heo sạch, đến năm 2019 bà Liễu bắt đầu chuyển sang nuôi heo bằng các loại thảo mộc. Bắt đầu thực hiện mô hình, bà Liễu cho trang trại thả nuôi 100 con heo để thử nghiệm. Heo vẫn được nuôi theo dây chuyền, thức ăn được chế biến từ trên 10 loại thảo mộc, như: sâm đất, xạ hương, đinh lăng, trà đại, hồng ngọc, lá cách, tía tô, trùn quế, xô thơm… Heo được nuôi trong vòng đời thảo mộc liên tục, bổ trợ thêm nhiều loại thức ăn khác như bột cám, bột gạo, bột bắp… đến khi đạt trọng lượng xuất bán từ 100 đến 120kg/con.
Để cung ứng đủ thảo mộc, dược liệu cho heo ăn, bà Liễu nhân giống trồng ở trang trại hoặc tìm mua, đặt hàng từ những người dân bản địa. Lứa thử nghiệm thành công, thịt heo thảo mộc rất được khách hàng chào đón, ưa chuộng nên nuôi bao nhiêu hết bấy nhiêu. Cứ thế, bà Liễu nhân rộng mô hình chăn nuôi lên 500 con, nuôi gối vụ với heo công nghiệp. Theo đánh giá của người tiêu dùng, thịt heo bằng thảo mộc có mùi thơm độc đáo khi luộc. Khi ăn, thịt có vị ngọt, mềm, thơm, thớ thịt chắc, mỡ đặc, dai dẻo ngon… Giá cả cũng vừa phải, khoảng 85.000 đồng/kg (heo hơi), cao hơn giá thịt heo truyền thống khoảng 20.000 đồng/kg.
Để phương thức chăn nuôi heo bằng thảo mộc được đánh giá đúng tầm mức, bà Liễu đã lập đề tài nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học kết hợp với thảo mộc gửi UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. “Khi đề tài được chấp thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục xin đánh giá khoa học của các cơ quan chức năng về chất lượng, giá trị trong y học, sức khỏe của thịt heo nuôi bằng thảo mộc.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết, thành công bước đầu của bà Lê Thị Liễu cùng với một số người dân đã đánh thức ngành chăn nuôi heo thịt của Hoài Ân, làm phong phú thêm vào các danh mục sản vật của huyện. Tới đây, địa phương sẽ hướng để nhân rộng mô hình chăn nuôi heo bằng thảo mộc, hứa hẹn sẽ tạo ra được sản phẩm đặc trưng, độc đáo cho huyện Hoài Ân phục vụ cho các mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai!