Gia đình anh Nguyễn Hoài Nam (ảnh, ngụ ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) có khoảng 1,3ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống. Lúc đầu nuôi cũng thành công, nhưng thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh xảy ra liên tục, dẫn đến hiệu quả, năng suất thấp.
Năm 2017, anh Nam mạnh dạn vay vốn (hỗ trợ lãi vay theo chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị) để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn trong nhà kín theo quy trình VietGAP. Anh cho biết kinh nghiệm nuôi siêu thâm canh theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1, ương tôm trước khi thả ra ao nuôi. Anh Nam dành riêng diện tích 0,7ha chia làm ao chứa (dùng để cấp nước từ bên ngoài vào và được xử lý Chlorine), ao dự trữ (lúc nào cũng có nước đã được xử lý vôi, khoáng chất) và các bể ương hình tròn có lót bạt, lắp đặt ôxy đáy để ương tôm, dao động từ 500 - 1.000 con/m2.
Thời gian ương 25 - 30 ngày, tôm đạt kích cỡ 600 - 900 con/kg. Sau đó, tiến hành thả vào ao nuôi thứ 1 (diện tích 1.000m2); một tháng sau tiếp tục ương tôm thả vào ao nuôi thứ 2 (cũng 1.000m2). Cứ như thế, anh thu hoạch tôm hàng tháng.
- Giai đoạn 2, tôm từ 30 - 60 ngày tuổi. Anh Nam đưa ra 2 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.000m2. Trước khi đưa tôm ra ao, anh kiểm tra sức khỏe tôm, cân tính số lượng, độ pH… giữa ao nuôi và ao ương. Mỗi ao đều đầu tư lưới, che kín bạt, lót bạt đáy và bờ ao, dưới lớp bạt đáy có các ống nhựa được thiết kế theo hình xương cá để hút nước và khí ra ngoài.
Mật độ thả nuôi bình quân 200 - 250 con/m2. Sau 80 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 40 con/kg, năng suất bình quân 5,5 tấn/ao/vụ, mỗi ao nuôi 3 vụ/năm. Năm 2017, với sản lượng thu hoạch cả 2 ao tôm là 33 tấn, sau khi trừ chi phí, anh Nam lãi ròng 2,31 tỷ đồng.
Hiệu quả mô hình mang lại lợi nhuận cao, bền vững. Tôm thu hoạch đạt tiêu chuẩn sạch và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Đây là mô hình có thể giúp bà con nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và làm giàu cho hộ gia đình.