Ô nhiễm ở Trung Quốc: Chuyện dài nhiều tập

Theo báo cáo vừa công bố của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, tình hình ô nhiễm không khí ở nước này vẫn hết sức nghiêm trọng. Gần 90% các thành phố lớn ở nước này không đạt chuẩn về chất lượng không khí trong năm 2014. Chỉ có 8/74 thành phố lớn ở Trung Quốc có chất lượng không khí đạt chuẩn quốc gia về không khí sạch.
Ô nhiễm ở Trung Quốc: Chuyện dài nhiều tập

Theo báo cáo vừa công bố của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, tình hình ô nhiễm không khí ở nước này vẫn hết sức nghiêm trọng. Gần 90% các thành phố lớn ở nước này không đạt chuẩn về chất lượng không khí trong năm 2014. Chỉ có 8/74 thành phố lớn ở Trung Quốc có chất lượng không khí đạt chuẩn quốc gia về không khí sạch.

Các bác sĩ khuyên người dân ở Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc nên đeo khẩu trang đi ra ngoài.

Từ cuộc chiến chống ô nhiễm

Kể từ đầu năm 2013, Trung Quốc bắt đầu đưa chỉ số PM2.5 và khí ozone vào tiêu chuẩn đánh giá chất lượng không khí. Có 74 thành phố lớn ở Trung Quốc đã được chọn thử nghiệm theo tiêu chuẩn mới và trong năm 2013 chỉ có 3 thành phố trong số này đạt chuẩn chất lượng không khí là Hải Khẩu trên tỉnh đảo Hải Nam, thủ phủ Tây Tạng Lhasa và thành phố nghỉ mát ven biển Chu San. Theo Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, tình hình ô nhiễm ở nước này chuyển biến rất chậm, mặc dù bình quân số ngày xuất hiện khói bụi dày đặc ở 74 thành phố đã giảm xuống còn 21 ngày, so với 32 ngày trong năm 2013. Đáng chú ý, thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thiên Tân (thủ phủ của khu vực Tây Bắc Trung Quốc) bị liệt vào “danh sách đen” 10 thành phố có tình trạng ô nhiễm khói bụi nặng nhất. Thời gian đạt chuẩn chất lượng không khí ở hai thành phố này trong năm qua chỉ là 156 ngày, thấp hơn 85 ngày so với mức bình quân của 74 thành phố, còn chỉ số ô nhiễm PM2.5 cao hơn 1,6 lần so với tiêu chuẩn.

Tháng 11-2014, Trung Quốc công bố Hiệp ước hạn chế khí thải carbon cũng như đưa ra chiến lược cắt giảm khí thải cho đến năm 2020 và sẽ được chính thức thực hiện vào tháng 7 năm nay. Năm 2014, trong danh sách “thành phố có không khí sạch” được bổ sung thêm 5 thành phố nữa là Thâm Quyến, Huệ Châu, Chu Hải (Quảng Đông), Phúc Châu (Phúc Kiến) và Côn Minh (Vân Nam).

Đến cuộc chiến tìm kiếm năng lượng thay thế

Tuy nhiên, bất chấp cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đã được phát động trên toàn quốc từ năm 2013, năm 2014 vẫn có 90% địa phương ô nhiễm nặng. Trong số 10 thành phố “ô nhiễm tồi tệ nhất” có 7 thành phố trong tỉnh công nghiệp Hà Bắc bao quanh thủ đô Bắc Kinh. 6 vị trí ô nhiễm hàng đầu là Bảo Định, Hình Đài, Thạch Gia Trang, Đường Sơn, Hàm Đan và Hành Thủy, tất cả ở Hà Bắc, nơi được cho là đang đi đầu trong chiến dịch chống ô nhiễm, nhưng hiện nay đang đương đầu với cuộc chiến tìm kiếm năng lượng thay thế.

Là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiểu rõ sứ mệnh giải quyết nguồn cung cấp năng lượng trong những thập kỷ tới. Theo China Daily, Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2020 sẽ sử dụng nhiên liệu sinh học để thay thế 10 triệu tấn chế phẩm dầu mỏ nhằm giảm bớt sức ép về năng lượng trong nước. Tuy nhiên, hiện chiến lược theo đuổi nguồn năng lượng Mặt trời - vốn được xem như là nguồn năng lượng sạch về mặt sinh thái - của Trung Quốc lại “lợi bất cập hại”. Nhiều công trình nghiên cứu đã phát hiện rằng tại các nước đang phát triển, nguồn năng lượng này lại là nguồn gốc gây ra ô nhiễm. Việc sản xuất ắc quy chì-axit để tích trữ năng lượng Mặt trời không những dẫn đến ô nhiễm môi trường, mà còn gây các bệnh nguy hiểm ở trẻ em. Giáo sư Chris Cherry, chuyên về các công nghệ dân dụng và sinh thái thuộc Trường Đại học Tennessy, từng cảnh báo rằng riêng ở Trung Quốc và Ấn Độ, ngành năng lượng Mặt trời hàng năm sẽ thải ra môi trường trên 2,4 triệu tấn chì. Sự thiếu hoàn thiện của quá trình công nghệ tại các nước đang phát triển sẽ dẫn đến sự rò rỉ nghiêm trọng chì trong quá trình sản xuất. Ví dụ khi khai thác, nấu chảy chì và sản xuất ắc quy, tại Trung Quốc có 33% sản lượng kim loại độc hại này đã bị thất thoát ra môi trường, còn ở Ấn Độ là 22%.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục