Olympic Việt Nam sẽ chơi với đấu pháp nào?

Trước đối thủ mạnh Oman, BHL tuyển Olympic Việt Nam hoàn toàn có lý khi đề ra chủ trương cho các cầu thủ đá thiên về phòng ngự của một đội “chiếu dưới”, nằm chờ cơ hội thực hiện những pha phản công chớp nhoáng trên phần sân đối phương.

Tại sao lối chơi phòng ngự phản công lại hợp lý? Thứ nhất, sau trận thua trước Lebanon ở lượt đấu trước, các cầu thủ Oman sẽ vào trận với khí thế hừng hực để mong kiếm điểm. Thuận lợi kế tiếp của Oman là khán giả nhà, bên cạnh đó, đội chủ nhà cũng có lợi thế về thể hình và thể lực. Chơi phòng ngự sẽ là cách hữu hiệu để hạn chế tối đa độ hưng phấn của các cầu thủ chủ nhà rồi từng bước giành lại thế trận trên sân.

Với lối đá thiên về phòng ngự để giành ít nhất là 1 điểm, sức nặng sẽ được ông Mai Đức Chung đặt trên vai của hàng phòng ngự với 4 gương mặt ổn định là Long Giang - Xuân Hợp, Phong Hòa và Văn Biển. Kể từ khi bước vào vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, hàng phòng ngự của Việt Nam vẫn đứng vững trước các chân sút Afghanistan, Lebanon và mới đây là Indonesia. Mặc dù cả Xuân Hợp, Phong Hòa, Long Giang đều chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, nhưng sức trẻ và khát vọng thi đấu mãnh liệt đã giúp cho những cầu thủ này nâng được bản lĩnh thi đấu qua từng trận. Việc giúp các cầu thủ nhanh chóng vượt qua sức ép trên sân khách là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với ông Chung và các cộng sự.

Nhưng đẳng cấp của Oman lại ở mức cao hơn Lebanon và Indonesia, họ sẽ đặc biệt nguy hiểm ở các tình huống tấn công xuất phát từ 2 cánh để tận dụng chiều cao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chống chọi, các hậu vệ rất cần nhận được sự hỗ trợ của tuyến tiền vệ trong nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự từ xa. Khi cả hàng phòng thủ và tiền vệ cùng hợp sức tạo thành một hàng phòng ngự được bố trí nhiều lớp, cơ hội để giành được điểm số sẽ rộng mở cho tuyển Olympic Việt Nam.

Thu Quyên

Tin cùng chuyên mục