Trận Olympic Việt Nam - Oman, các bình luận viên luôn bị chủ nhà cho việt vị. Từ cách đá ở hiệp một đến lối chơi ở hiệp hai cứ đưa đối thủ và người xem đi từ thái cực này đến thái cực khác. Hôm qua, rất nhiều người khen ta (dù thua). Bây giờ, nhìn vào đối thủ để xác định ta sẽ khách quan hơn.

Hassan Zahir (14, O. Oman) kiểm soát bóng trước sự truy cản của Minh Chuyên (27) cùng sự hỗ trợ của Duy Nam (20, O.Việt Nam).
Trước khi đội Olympic Việt Nam lên đường, dữ liệu về đội chủ nhà Oman với chúng ta duy nhất chỉ là hình ảnh tại Asian Cup 2003 mà Việt Nam thua 0-2. Thực chất thì những hình ảnh và dữ liệu của 4 năm trước giờ chỉ là những hình ảnh khác và con người khác của một đội Olympic được làm mới rất nhiều.
Có một hình ảnh mà nếu chịu khó tìm tòi sẽ cho ra một kết quả gần hơn và thực tế hơn, đó là lứa cầu thủ hôm nay có không ít người trưởng thành từ lứa U-16 Oman ngày nào đến Việt Nam và tham dự VCK U-16 châu Á.
Oman bây giờ không vô tư như Oman của 7 năm trước đến Việt Nam tham dự giải trẻ trong hệ thống châu Á. Oman bây giờ lạ ở chỗ không cho đối thủ “bắt bài” dù chỉ là bài đổ người xây kín một hàng thủ được khen là kiên cường và bản lĩnh.
Tôi còn nhớ 7 năm trước, trong cơn say chiến thắng của lứa U16 Việt Nam, khi vào vòng trong gặp những đối thủ cứng cựa (trong đó có Oman), bóng đá trẻ Việt Nam đã thua thật đậm ở cái sân chơi trẻ ấy và ấm ức vì nhìn vào các đối thủ cùng lứa tuổi nhưng to hơn chúng ta và già hơn chúng ta nhiều quá. Lứa Văn Quyến, Minh Đức, Lâm Tấn, Văn Vinh, Như Thuật, Đức Anh, Ánh Cường… khi ấy nhìn thật “măng” bên cạnh những cầu thủ Oman tuổi U-16 nhưng có người râu quai nón xồm xoàm nhìn như những thanh niên trưởng thành.
Cái thua ấy khiến Bộ trưởng Hà Quang Dự hồi ấy bực tức chỉ đạo VFF kiện lên AFC, lên FIFA và đề nghị đo tuổi xương các cầu thủ Oman thì chắc chắn sẽ lòi ra vụ gian tuổi (vì mặt già quá) và đương nhiên, ta vào chung kết hoặc ít ra cũng có huy chương.
May mà hồi đấy, cố chuyên gia Ngô Xuân Quýnh biết khuyên Bộ trưởng rằng đừng làm lớn vì ông Quýnh tin trong nội bộ mình cũng có cầu thủ lố tuổi (do địa phương khai man để đá giải trẻ từ U-12, U-14 lên).
Thế là Oman hồi đấy “thoát”.
Trong số những cầu thủ “thoát” ấy, có người bây giờ khoác áo Olympic đá với chúng ta.
Và 7 năm sau, Oman cho thấy một lối chơi khác hẳn với trước đây.
Nếu ở vòng chung kết U-16 châu Á là một Oman chỉ biết dùng sức mạnh và lấy thịt đè người thì 7 năm sau là một Oman biết chơi bóng bằng kỹ thuật.
Một Oman hiệp 1 chơi như những cầu thủ hạng xoàng nổi trội về sức mạnh hơn kỹ thuật và bế tắc trước hàng phòng thủ dày của Việt Nam.
Một Oman chỉ đánh biên và đánh một cách vụng về, hay tự mình làm mất bóng và nhiều lần sút hoảng từ cự ly vài chục mét.
Cái lối đá mà giữa hai hiệp, ban huấn luyện Việt Nam cảm thấy tự tin hơn với mục tiêu chia điểm và nó làm ngộ nhận về Oman không có gì, Oman thua Lebanon là đúng.
Nhưng hiệp hai, lại cũng những con người ấy nhưng chơi một thứ bóng đá khác hẳn. Bóng không còn rải ra hai biên một cách phung phí nữa mà là một lối chơi chấp nhận đến cầu môn đội khách bằng đường tắt. Bóng dài, bóng bổng được thay bằng những quả khoan thẳng vào trung lộ, những đường chuyền khe và cả sử dụng kỹ thuật kết hợp với sức mạnh.
Lứa Olympic Oman không chơi lấy thịt đè người nữa mà tìm cách gỡ từng cái nút thắt ở những khâu mà hiệp một họ bật ra. Những bàn thắng không đến từ lối chơi lấy thịt đè người mà từ những miếng phối hợp thật bài bản, có chủ đích.
Hàng thủ dày với tư tưởng phòng ngự và với ý đồ không thua của ông Chung đã chơi lăn xả, quyết liệt nhưng nó không đủ cho 90 phút mà Oman chơi với hai bộ mặt khác nhau.
Một cái thua về thể lực như nhiều chuyên gia nói?
Điều ấy mới chỉ đúng một phần. Cái chính là chúng ta không thích nghi kịp với hai bộ mặt của một đối thủ.
Trong số những nhận xét về ta và về địch, tôi thích nhất nhận xét rất trực diện của HLV Hồ Thu (một cựu HLV đội Olympic và là giảng viên Đại học TDTT bộ môn bóng đá): “Chúng ta đá phòng ngự phản công nhưng ngay cả lúc phản, lúc có cơ hội chúng ta vẫn nặng với tư tưởng quay về để giữ. Chúng ta chỉ có 70% sức so với Oman nhưng không phân phối tốt vì chấp nhận mất sức để xây hàng thủ thay vì mất sức cho những nỗ lực phản công và hỗ trợ tấn công”.
Oman bây giờ cho chúng ta nhiều cái nhìn về sự đa dạng cần có trong tư tưởng và trong lối chơi của chính chúng ta.Cho cả cái cách phòng ngự và cái cách phản công và nuôi một tư tưởng không thua.
NGUYỄN NGUYÊN