Ổn định tăng trưởng

Bất chấp những thử thách trong và ngoài nước, các thống kê mới nhất cho thấy Indonesia hoàn toàn có khả năng đạt được mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 5,3% do chính phủ đặt ra. Nếu so với tốc độ tăng trưởng tiếp tục đi xuống của toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN, sự tăng trưởng ổn định của Indonesa hoàn toàn đáng nể.

Nền kinh tế Indonesia không được dẫn dắt bởi xuất khẩu, được xem là lĩnh vực mũi nhọn của hầu hết các nền kinh tế châu Á khác. Xuất khẩu của Indonesia trong năm nay lại góp phần tiêu cực đến sự tăng trưởng bởi những điều kiện không mong muốn từ bên ngoài, giá cả hàng hóa yếu, không đủ sức cạnh tranh trong xu hướng đi xuống của giá cả hàng hóa toàn cầu. Đầu tư nội địa cũng yếu mặc dù chính phủ Indonesia đã hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ mở rộng và kể từ tháng 9-2015, chính phủ đã ban hành ít nhất 7 gói chính sách kinh tế nhằm củng cố kinh tế trong nước trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Tiêu dùng nội địa mới chính là lực đẩy chính của nền kinh tế hơn 240 triệu dân này. Tốc độ tăng trưởng này mạnh mẽ hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Tỷ lệ tiêu dùng ngày càng tăng cao chính là lực đỡ cho thị trường nội địa và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời giúp bảo vệ Indonesia trước suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngoài tiêu dùng nội địa, chi tiêu của chính phủ Indonesia cũng đóng góp vào sự tăng trưởng trong nửa năm đầu năm 2016, đặc biệt là trong quý 2. Chính phủ nước này cũng đã quyết định giảm 184.000 tỷ rupiah (14,2 tỷ USD) chi tiêu ngân sách nhà nước nhằm giữ mức thâm hụt tài khóa ở ngưỡng giới hạn an toàn dưới 3% GDP.

Tuy nhiên, theo eastasiaforum.org, liên tục trong 4 năm qua, tăng trưởng trung bình của doanh thu thuế đều dưới 10%, không đạt được mục tiêu chính phủ đề ra là 30%. Một lần nữa trong năm 2016, với mục tiêu 24% đã được đặt ra, câu hỏi về tính ổn định tài chính vẫn sẽ được bàn tới vì thực tế cho thấy mục tiêu này tiếp tục bị lỡ hẹn.

Suốt những năm gần đây, kinh tế Indonesia luôn đạt tốc độ trung bình 4% - 6%, ổn định hơn rất nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và thậm chí là cả 1 số nền kinh tế phát triển. Các vấn đề lớn còn tồn đọng cho năm 2017 là làm thế nào để vực dậy tăng trưởng đầu tư tư nhân, bao gồm cả cơ sở hạ tầng. Năm 2015, để thu hút đầu tư hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chính phủ đã dỡ bỏ một loạt các quy định được coi là “nút thắt” trong đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính trong đầu tư, cung cấp các ưu đãi về thuế, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gửi ngoại tệ vào ngân hàng... Tuy nhiên, các gói quy định kinh tế cho đến nay đều là những gói cải cách ngắn hạn, dù tập trung vào giảm chi phí kinh doanh, thương mại, đầu tư cho con người và du lịch. Thất bại của chính phủ trong năm qua là không giải phóng được mặt bằng cho các nhà đầu tư, giá cả và sự minh bạch đối với các mối quan hệ đối tác công tư và các quy trình đầu tư mà họ đang đối mặt và vẫn còn tiếp tục những mâu thuẫn giữa chính sách bảo hộ và nội địa hóa. Giải quyết những vấn đề này cần thiết hơn là nâng mức tăng trưởng theo quỹ đạo 5%.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục