Những nhịp cầu nghĩa tình
Từ một tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc, đã dần mọc lên những cây cầu dân sinh, nối nhịp đôi bờ, hình thành nên trục giao thông liên hoàn, tạo đà cho sự phát triển về mọi mặt, nâng cao dân trí, kiến thiết quê hương.
Trong chuyến công tác về huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, ông Dương Văn Mừng (Trưởng ấp An Định, xã An Nhơn) chở tôi đi bằng chiếc xe gắn máy trên triền đê của những cánh đồng lúa, thẳng tiến về con sông Cái Lớn. Ông vừa lái xe vừa nói, dân tình trong này thì đông, mà đường dân sinh chỉ được như vầy. Ông tâm sự: “Chú thấy đó, nói là đường đi chứ được khoảng 1 mét ngang, tay lái cứng mới chạy được chứ không thì xe này sẽ “lái máy cày” như chơi! Sẵn trớn nói chú biết luôn, con sông Cái Lớn phía trước là ranh giới của ấp An Định và An Hòa. Có khoảng 70 hộ dân ấp An Hòa bị chia cắt bởi con sông này, hơn mấy chục năm nay rồi”. Tôi hỏi, vậy đi bằng gì, sao không bắc cầu. Ông Mừng ngắt lời, “chú thấy đó, con sông này rộng khoảng 60m, kinh phí xây cầu sẽ rất cao, chúng tôi cũng đâu có đủ khả năng để làm việc này. Nên bà con ở đây, qua lại bằng xuồng cũng có, lội sông cũng được, học sinh đi học khá bất tiện. Hồi tháng trước, có người lội sông rồi bị chuột rút, tính ra từ đó đến nay, cũng vài người chết trên sông này rồi”. Ông Mừng vừa cười vừa nói: “Nhưng giờ đỡ rồi chú ơi! Sắp tới có cầu mới, bê tông, cốt thép đàng hoàng, mặt cầu rộng 2m, nối nhịp đôi bờ, bà con phấn khởi lắm”! Biết tôi ngạc nhiên, ông nói: “Chú cũng hên, bữa nay sẵn có dịp chú gặp “ông Hai cầu đường” sẽ rõ. Cầu do ông vận động tài trợ để xây dựng đó chứ. Nghe đâu lát nữa ông Hai, cùng thành viên của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường xuống để kiểm tra tiến độ thi công cầu”.
Theo ông Mừng, biệt danh “ông Hai cầu đường” là do người thụ hưởng từ những công trình này gọi như vậy cho đến tận hôm nay. Trong sự hiểu biết của mình, ông Mừng nói: “Cầu lớn cầu nhỏ đều do ông Hai dùng uy tín của bản thân vận động xã hội hóa mà có. Ổng đã vận động mạnh thường quân về xây dựng hàng trăm, hàng ngàn cây cầu giao thông nông thôn khác trên địa bàn huyện Thạnh Phú nói riêng, toàn tỉnh Bến Tre nói chung. Cây cầu bắc qua sông Cái Lớn này là một trong số nhiều cây cầu được ổng vận động mạnh thường quân xây dựng, khoảng hơn tháng nữa sẽ được khánh thành, nối nhịp đôi bờ, thỏa lòng mong mỏi của bà con nơi đây ngót nghét hơn chục năm qua”.
Là một trong những hộ dân sống tại ấp An Hòa, ông Bùi Thiên Côn, chia sẻ: “Mấy nay, người dân chúng tôi chẳng dám tin vào mắt mình, vì mong mỏi có được cây cầu để đi biết bao lâu rồi mà có được đâu. Giờ thấy vui sướng, phấn khởi lắm chú nhà báo ơi! Bởi vậy, tôi cùng anh em trong xóm này ngày nào cũng túc trực ở đây. Anh em chúng tôi góp chút công sức, người thì vác xi măng, người trộn hồ, người sàng cát…để phụ giúp sớm hoàn công”. Vừa nói vừa thở vội vã, ông Côn chỉ cho chúng tôi: “À chú nhà báo, có ghi hình nữa thì lại ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ An cách đây khoảng chục cây số nữa, một cây cầu khác đang được khởi công xây dựng, cũng do ông Hai vận động các tổ chức từ thiện đóng góp kinh phí, khoảng 2 tháng nữa sẽ hoàn thành phục vụ nhu cầu đi lại của bà con!”.
Dứt lời, tiếng điện thoại reo lên, ông Côn bảo, chú khoan hãy đi, chờ chút đi. Đoàn của ông Hai tới rồi, chú chờ chút rồi gặp ổng luôn nha. Nói xong, ông Côn lên xe, rồ ga rồi chạy ra phía quốc lộ.
Trọn tình với quê hương
Từ xa, xe ông Côn quay lại, phía sau chở một người đàn ông lớn tuổi. Tôi đoán đó là “ông Hai cầu đường”. Dáng người to cao, bước đi khập khiễng. Bởi tôi được biết, ông Hai trước đó đã từng tham gia cách mạng, trong một lần địch tấn công nên đã bị thương ở chân. Sau này, ông từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phụ trách mảng xây dựng cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2001.
Trò chuyện với ông, tôi cảm nhận một người tuổi đã xấp xỉ 80 như ông, nhưng tinh thần ngùn ngụt, tâm huyết với công việc, không khác gì tinh thần của lứa tuổi thanh niên hăng say với lý tưởng sống của chính mình. Tôi hỏi nhỏ, sao ông không dành thời gian an hưởng tuổi già, mà phải dốc sức cho công việc hiện tại. Ông cười khà, rồi nói: “Có lẽ tôi nợ ân tình với dân, với quê hương Bến Tre Đồng Khởi. Từ khi đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh năm 1992, được nhân dân tin yêu, ủng hộ nhưng tôi thấy ray rứt vì chưa làm được gì nhiều cho quê hương mình. Những năm đó, đường sá còn khó khăn, giao thông trắc trở, đa phần là phải lụy đò nên rất nguy hiểm vào mùa mưa. Lúc đó, ám ảnh với tôi là cảnh trẻ em bị chết đuối do té sông, lật đò... Sự ray rứt đó thôi thúc tôi thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Hội) vào năm tôi nghỉ hưu. Hội hoạt động với tôn chỉ là xây dựng cầu đường giao thông nông thôn từ thiện, kinh phí lấy từ nguồn vận động xã hội hóa”.
Thấy tôi có vẻ hoài nghi, khi kinh tế còn khó khăn, để vận động được nguồn kinh phí khá lớn xây cầu quả là một kỳ tích. Ông cười rồi nói: “Để vận động được một số tiền lớn không đơn giản, nhưng tôi công khai hóa, 1 đồng cũng không để thất thoát. Trước khi xây cây cầu, chúng tôi đi khảo sát, về lập hồ sơ thiết kế rồi mới đi vận động. Chỉ vận động khoảng 50%-90% giá trị công trình, còn lại để người dân địa phương đóng góp. Chính vì thế, mà mỗi công trình đều có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với người dân địa phương. Ngoài ra, những thông tin liên quan đến đóng góp công trình đều được đưa lên bảng lưu niệm. Vì vậy, nhà tài trợ thấy đồng tiền của họ được sử dụng đúng mục đích, đúng yêu cầu cấp thiết của địa phương nên phong trào đã lan tỏa lớn, được nhiều người hưởng ứng. Từ cách làm đó, mà ban đầu chỉ có 43 hội viên thì nay là trên 500 hội viên, tập hợp được đông đảo hội viên là những người có tâm huyết với việc xây dựng cầu đường phát triển hạ tầng giao thông. Có nhiều cán bộ kỹ thuật ngành hữu quan tham gia vào hội, trong đó trên 70% hội viên có trình độ đại học và trên đại học. Điều đáng nói là những hội viên ban đầu đều xuất thân từ cán bộ của Sở GTVT tỉnh đã nghỉ hưu”.
Dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong ánh mắt của ông vẫn tràn đầy sức “chiến đấu”. Bởi, ông cho rằng, sống là phải cống hiến cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế quê nhà, như vậy mới trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, không phụ lòng mong mỏi của bà con quê hương Đồng Khởi anh hùng!
Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Bến Tre, suốt 19 năm qua, ông Trịnh Văn Y (sinh năm 1942, quê xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre từ năm 1992-2001) đã đi khắp các vùng quê hẻo lánh để khảo sát, vận động kinh phí xây dựng xóa cầu khỉ, làm đường giao thông nông thôn. Số tiền vận động đến nay gần 500 tỷ đồng. Đã xây dựng hơn 2.120 cây cầu lớn nhỏ, 241km lộ bê tông, cùng 6 trường học, 12 nhà tình nghĩa, 13 nhà tình thương; trao gần 100 suất học bổng và nhiều phần quà cho trẻ em khó khăn… góp phần cùng tỉnh nhà cơ bản xóa cầu khỉ, cầu tạm, để 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, ông còn vận động kinh phí hỗ trợ các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội xây dựng gần 200 công trình cầu, đường. |