Theo thống kê, hiện BHXH TPHCM đang quản lý 164.000 người hưởng chế độ hưu trí. Trong đó, có 305 người có mức lương thấp hơn 16 triệu đồng/năm (chuẩn nghèo của TPHCM); thậm chí, có 24 người có lương hưu bằng với mức lương cơ sở (mức lương tối thiểu chung), 24 người có lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở và người có lương hưu thấp nhất hiện nay là 732.500 đồng/tháng. Còn nếu tính theo mức lương tối thiểu vùng, tại TPHCM có khoảng 12.000 người có lương hưu thấp hơn mức này.
Theo tôi, nguyên nhân của vấn đề này là do mức đóng BHXH của người lao động hiện nay quá thấp so với thu nhập thực tế; nhiều doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho công nhân với mức lương “cơ bản”, bằng hoặc cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng. Trong khi thu nhập thực tế mà doanh nghiệp trả cho công nhân lao động cao hơn, dẫn đến việc khi người lao động đau ốm, thai sản, hưu trí… thì nhận khoản trợ cấp BHXH, lương hưu ở mức thấp.
Quốc hội vừa rồi có bàn đến giải pháp là nâng mức lương đóng BHXH của người lao động bằng tổng thu nhập mà người lao động được doanh nghiệp chi trả. Song rất tiếc là vấn đề này chưa được Quốc hội thông qua. Tôi cho rằng, đây là giải pháp cơ bản để giải quyết thực trạng về lương hưu thấp, chưa bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người lao động khi hết tuổi lao động hiện nay. Mặt khác, đối với người tham gia đóng BHXH tự nguyện theo mức thu nhập mà họ tự chọn, chính sách cũng nên quan tâm, có quy định điều chỉnh lương hưu theo mức lương cơ sở như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hiện nay.
Tôi sẽ có kế hoạch khảo sát vấn đề này và kiến nghị với các ngành hữu quan và chính quyền TP.
HỒNG HIỆP - MẠNH HÒA (ghi)