Từ những rặng tre trồng quanh ao hồ để giữ bờ bao, lấy măng cải thiện cuộc sống, vườn tre của ông Nguyễn Anh Nghĩa (75 tuổi, tên thường gọi Ba Nghĩa, ở tổ dân phố 5, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của hàng ngàn chú chim trời. Người bảo đất lành chim đậu, người lại cho rằng gia đình ông có phước lộc trời ban.
Đất lành chim đậu
“Ông lão vườn chim”, đó là biệt danh thân thương người dân nơi đây gọi ông Ba Nghĩa vì ông hiện đang sở hữu vườn chim trời hàng ngàn con. Từ quê hương Phú Thọ vào Đắk Nông lập nghiệp năm 1994, ông Ba Nghĩa cùng vợ là bà Đào Thị Vĩnh đã khai hoang khu đồi cỏ tranh, đầm lầy lau sậy um tùm để dựng nên cơ nghiệp. Không phụ công người, đến nay ông Ba Nghĩa có khu vườn 6ha trồng điều, sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác, cùng hơn 1ha mặt nước hồ nuôi cá đã mang lại cho cuộc sống gia đình ông no ấm. Từ đó, bốn người con lần lượt học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định và yên bề gia thất.
Thấy bố mẹ đã lớn tuổi, các con ông bàn tính đưa vợ chồng ông ra thành phố sinh sống để tiện bề chăm sóc, nhưng ông Ba Nghĩa không chịu. Ông bảo “cái tay hay làm, cái chân hay đi” giờ ngồi một chỗ, trong người khó chịu lắm, sống chết gì cũng ở lại mảnh đất này. Hàng ngày, bên cạnh việc chăm nom vườn cây ăn quả, ông trồng thêm nhiều bụi tre quanh hồ vừa để giữ bờ đập, vừa có thêm măng tre bán. Đất lành chim đậu, thấy vườn nhà ông cây cối xanh tươi, hơn 5 năm trước một số loài chim trời đã tìm về trú ngụ. Lúc đầu còn ít, về sau số lượng chim trời kéo về càng dày đặc. Cũng từ đó, đôi vợ chồng già lại có thêm công việc mới là canh giữ chim trời. Ông Ba Nghĩa tâm sự: “Đàn chim là lộc trời ban, việc bảo vệ chúng được yên bình chính là món quà chúng ta dành tặng lại cho con cháu đời sau”.
Từ khi đàn chim trời về trú ngụ trong vườn, cuộc sống của vợ chồng ông Ba Nghĩa càng thêm bận rộn. Bà Vĩnh kể: “Khi đàn chim mới về cư ngụ, chẳng bao giờ vợ chồng tôi được ăn ngon, ngủ yên cả! Nhiều hôm vừa đưa chén cơm lên miệng, nghe lũ chim nháo nhác đập cánh, ông ấy và mấy đứa con liền bỏ cả chén cơm chạy một mạch ra vườn tre kiểm tra. Đang đêm mưa gió, nhiều tên săn trộm mò tới bắt chim, ông cũng cầm đèn pin lao ngay ra vườn ngăn cản”.
Bảo vệ chim trời
Sau nhiều năm canh giữ đàn chim trời, ông Ba Nghĩa trở thành nhà nghiên cứu chim lúc nào không hay. Ông nắm rất rõ hoạt động của đàn chim, chỉ cần chúng vỗ cánh, bay lượn lòng vòng là ông biết chúng đang gặp nguy hiểm vì có kẻ săn trộm đang rình. Theo ông Ba Nghĩa nhận định, đàn chim trời giống loài sếu đầu đen. Chúng đi kiếm mồi, về trú ngụ rất đúng giờ. Vào khoảng 6 - 7 giờ sáng, chúng bay đi kiếm mồi và đến 5 - 6 giờ chiều bay về. Lộ trình bay của đàn chim chia làm 2 nhóm: Một nhóm đi và về từ hướng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (ở huyện Đắk G’long), còn một nhóm từ hướng hồ thủy điện Đắk R’Tíh (huyện Đắk R’lấp).
Cũng theo ông Nghĩa, loại chim này có tổ chức chặt chẽ. Mỗi đàn trước khi về vườn trú ngụ đều có con đầu đàn bay trước để thám thính. Con đầu đàn thường rất to, lượn nhiều vòng và khi thấy an toàn thì ra tín hiệu cho những con chim khác hạ độ cao, sà xuống các cành cây. Do nắm được đặc điểm này, chiều nào ông Nghĩa thấy cả đàn chim cứ bay nhiều vòng và kêu dáo dác là đoán biết ngay có người đang rình săn bắn. Những lúc như vậy, ông chạy ra vườn khuyên nhủ họ, đừng sát hại đàn chim, để chúng về cho vui. Thấy ông khuyên bảo chân tình, nhiều tay thợ săn nghe theo và thường xuyên đến đây cùng ông ngắm chim trời mỗi khi chiều xuống.
Ngoài đàn chim này, thỉnh thoảng vườn nhà ông còn có hàng trăm con cò trắng về cư ngụ. Ông Trương Đức Huấn, Tổ trưởng tổ dân phố 5, chia sẻ: “Thấy chim trời về trú ngụ trong vườn nhà ông Ba Nghĩa, người dân chúng tôi vui lắm. Trong các buổi họp dân, chúng tôi thường vận động các gia đình cùng nhau bảo vệ vườn chim, không được săn bắn, nếu thấy người lạ vào thì báo với tổ dân phố để kịp thời ngăn chặn. Người ta thường nói đất lành chim đậu, đó là món quà của thiên nhiên ban tặng thì chúng ta phải biết quý trọng và giữ gìn”.
Hiện ông Nghĩa chưa xác định được loài chim về cư ngụ trong vườn thuộc loài nào, vì thế ông mong muốn các nhà khoa học tới nghiên cứu tìm hiểu để xác định chính xác tên của loài chim này. Từ đó, địa phương có biện pháp để bảo vệ vườn chim, đồng thời tạo cảnh quan sinh thái để vườn chim sẽ là điểm đến thân thiện của người dân.
CÔNG HOAN - TUẤN ANH