Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Đã giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Giảm 26% - 40% số vụ tai nạn và ùn tắc giao thông

Dường như khoản kinh phí trị giá 105 tỷ đồng mà TPHCM cấp khẩn trương cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) từ đầu năm 2012 nhằm thực hiện hàng loạt các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã phát huy tác dụng… Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM đã trả lời PV Báo Sài Gòn Giải Phóng về vấn đề này.

Giảm 26% - 40% số vụ tai nạn và ùn tắc giao thông

- PV: Thưa ông, 105 tỷ đồng được TPHCM cấp cho Sở GTVT đầu năm 2012 nhằm thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được sử dụng ra sao và kết quả như thế nào?

Ông Lê Toàn: Hiện nay Sở GTVT đã sử dụng hết 95 tỷ đồng trong tổng số 105 tỷ đồng được giao và tất cả đều được dùng cho các công trình đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cụ thể như làm dải phân cách, tách làn ô tô khỏi làn xe gắn máy; nghiên cứu, điều chỉnh lại giao thông… Kết quả, tính từ đầu năm đến ngày 25-5-2012 số vụ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn TP đã giảm mạnh. 5 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn TP xảy ra 268 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 240 người và bị thương 120 người. So với cùng kỳ năm 2011 đã giảm 114 vụ, tương ứng giảm 29,84%, giảm 86 người chết tương ứng giảm 26,38%, giảm 96 người bị thương tương ứng giảm 44,4%. Về đường sắt, 5 tháng đầu năm 2012 xảy ra 2 vụ tai nạn, làm chết 2 người, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 2 vụ và giảm 2 người chết. Tình hình ùn tắc giao thông cũng có nhiều cải thiện đáng kể. Từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra 2 vụ ùn tắc giao thông có thời gian trên 30 phút, giảm 21 vụ so với cùng kỳ 2011.

- Theo ông, đâu là giải pháp mang tính chất quyết định cho kết quả này?

Thực ra, mỗi công trình, mỗi giải pháp đều mang lại những kết quả riêng và tất cả bổ sung cho nhau đưa đến kết quả đáng mừng hôm nay. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, giải pháp xây dựng dải phân cách, tách biệt các dòng xe, có tác dụng kéo giảm tai nạn giao thông hơn cả. Tôi lấy ví dụ, sau khi đặt dải phân cách trên quốc lộ 1A (đoạn đi qua TPHCM) số vụ tai nạn giao thông ở đây giảm 67% so với trước. Việc điều chỉnh lại giao thông, khắc phục những bất cập hoặc lạc hậu trong cách phân luồng trước là giải pháp khả thi để chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Khu vực nút giao thông Gò Dưa, trước kia rất hay ùn ứ thậm chí ùn tắc giao thông nhưng sau khi giao thông ở đây được điều chỉnh lại, tình trạng ùn tắc giảm hẳn.

Thêm 180 tỷ đồng cho công tác đảm bảo an toàn giao thông

- Như vậy, ông giải thích như thế nào về việc điều chỉnh giao thông ở khu vực đường Trường Chinh, chỉ gây thêm khó khăn cho người đi xe gắn máy 2 bánh?

Từ đầu năm 2012 đến nay Sở GTVT gần như không tiến hành điều chỉnh giao thông trong khu vực này. Vấn đề là trước đây, vào giờ cao điểm, khi người đi xe gắn máy 2 bánh nhiều, lực lượng điều tiết giao thông đã linh động cho xe gắn máy 2 bánh đi vào làn đường của ô tô, nếu làn đường ô tô còn rộng. Thời gian vừa rồi, có lẽ do muốn đảm bảo an toàn cho người đi xe gắn máy 2 bánh, lực lượng điều tiết đã không cho phép lưu thông sai làn đường quy định nên vào giờ cao điểm đã xảy ra ùn ứ cục bộ trong làn đường dành cho xe gắn máy 2 bánh. Tuy nhiên, bây giờ các bất cập đã được điều chỉnh. Nếu không thấy nguy hiểm cho người đi xe gắn máy 2 bánh, lực lượng điều tiết giao thông tại chỗ có thể linh hoạt cho họ lưu thông trong làn đường của ô tô. Điều này hoàn toàn không sai luật bởi theo quy định tại điều 37 của Luật Giao thông đường bộ, lực lượng điều tiết giao thông có quyền “Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về đảm bảo an ninh trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi dừng xe, đỗ xe”.

- Chỉ với khoảng 100 tỷ đồng (so với việc xây dựng nhiều công trình giao thông khác trị giá hàng ngàn tỷ đồng) mà làm giảm được nhiều vụ tai nạn giao thông, nhiều người chết và bị thương, nhiều vụ ùn tắc giao thông… Tại sao trước đây Sở GTVT không triển khai các công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông này?

Vấn đề là Sở GTVT không có kinh phí để thực hiện. Mặc dù đã hết sức cân đối song hiện nay ngân sách thành phố chỉ cân đối được khoảng 30% nhu cầu vốn dành cho các công trình, chương trình trật tự an toàn giao thông. Hiện nay lãnh đạo thành phố, Sở GTVT cũng như nhiều sở ngành chức năng khác đang cố gắng thu hút thêm vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau cho các chương trình, công trình giao thông, tuy nhiên khủng hoảng kinh tế đang làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn trước.

Từ nay đến cuối năm, Sở GTVT vẫn sẽ đề xuất UBND TPHCM cấp thêm khoảng 180 tỷ đồng cho công tác đảm bảo an toàn giao thông bởi đây là công việc cần làm nhằm từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

- Cảm ơn ông!

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục