Đến đầu con hẻm nhỏ ở đường Lò Gốm, quận 6, TPHCM chỉ cần hỏi tên ông Trần Quang Sang là mọi người biết ngay: “Ông Năm hiến máu phải không?”. Năm nay ông đã 74 tuổi, vậy mà lúc nào cũng tất bật chuyện cứu người, chẳng thế mà bà con gọi ông là người đa đoan.
Hiến máu cứu người
Ông tâm sự: “Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, bản thân còn không đủ ăn nên chẳng biết lấy gì giúp người. Lúc mẹ tôi qua đời, bà dặn đi dặn lại: Sau này, khi nào làm ăn khấm khá, các con nhớ tìm cách giúp đỡ người nghèo… Thực hiện ý nguyện của mẹ, tiền bạc eo hẹp thì tôi tự nguyện hiến máu cứu người...”. Từ năm 1995 đến 2003, năm nào ông cũng tham gia hiến máu. Đến nay ông đã tình nguyện hiến máu 17 lần. Ông hiến máu suốt hơn chục năm trời, cho đến khi bác sĩ bảo ông lớn tuổi rồi không được hiến máu nữa để đảm bảo sức khỏe thì ông mới chịu thôi.
Thế nhưng, thấy cảnh nhiều người phải chết oan vì không được tiếp máu kịp thời, ông lại không yên lòng. Bản thân không còn được hiến máu, ông vận động con cháu tiếp tục thay mình hiến máu. Trong gia đình, từ con trai, con dâu, con gái, con rể, rồi cháu nội, cháu ngoại đều tham gia hiến máu nhân đạo. Cứ mỗi lần hiến máu, mọi người đều rất vui vì làm được việc thiện.
Sau này, con cháu lấy ngày sinh nhật của ông làm ngày hội hiến máu nhân đạo của cả nhà. Cũng từ đây, ông có sáng kiến thành lập câu lạc bộ hiến máu nhân đạo thu hút không những người trong gia đình mà còn cả họ hàng nội, ngoại với hơn 50 người tham gia.
Chưa dừng lại ở đó, con cháu ông mời gọi bạn bè và người quen từ khắp nơi tham gia hiến máu nhân đạo, nhờ vậy mà có lúc phong trào hiến máu do ông phát động được nhân rộng đến cả trăm người. Từ năm 1995 đến nay, ông Năm Sang đã vận động gần 500 lượt người tự nguyện hiến máu nhân đạo với hơn 451 đơn vị máu, qua đó góp phần giảm bớt tình trạng khan hiếm máu cứu người ở một số bệnh viện.
Đầy ắp nghĩa tình
Thấy nhiều người trẻ phải chết vì thiếu mô tạng, ông không khỏi xót xa. Ngay sau khi có Luật Hiến tạng ra đời, ông vận động bà con gần xa tham gia hiến tạng cứu người, bản thân ông là người đầu tiên đăng ký hiến giác mạc và mô tạng. Noi gương ông, đến nay đã có 17 người trong khu phố tự nguyện hiến giác mạc và hiến mô tạng. Nhiều người còn rất trẻ cũng tham gia hiến tạng.
Không chỉ tự nguyện hiến máu, hiến tạng, ông Năm Sang còn vận động bà con đóng góp 15 triệu đồng xây nhà tình thương cho một hộ nghèo ở Cai Lậy, Tiền Giang. Ông còn vận động con cháu và người thân đóng góp hàng chục triệu đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho 18 người nghèo. Mới đây, nhân ngày sinh nhật ông, con cháu đóng góp được 4 triệu đồng làm quà để ông giúp các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và giúp bà con nghèo vay không lấy lãi.
Anh Nguyễn Trọng Nhân, ngụ tại 943/12 Lò Gốm bị té gãy chân đã được vay 1 triệu đồng mua thuốc; bà Đỗ Thị Hiệp, ngụ 64 Âu Cơ, quận Tân Bình bị bệnh vay 500.000 đồng mua thuốc… Hầu hết bà con đã trả lại vốn gốc để ông Sang cho người nghèo khác vay.
Song song với việc hiến máu, hiến tạng, từ năm 1993 đến nay, ông Năm Sang còn vận động con cháu và người thân đóng góp được gần 144 triệu đồng để giúp đỡ người nghèo; xây dựng một con đường bê tông dài 120m tại xã Nhị Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với kinh phí 10 triệu đồng; ủng hộ 4 triệu đồng giúp 20 trẻ em khuyết tật ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An; ủng hộ quỹ khuyến học và nạn nhân chất độc da cam; giúp gạo, tiền cho khoảng 20 người già neo đơn, bệnh nhân nghèo và trẻ em khuyết tật...
MINH YẾN