* Tiger Cup 98 khi buộc phải lựa chọn giữa Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và Thạch Bảo Khanh (19 tuổi), ông Tavares đã chọn Nguyễn Văn Dũng với hai lý do: Kinh nghiệm và hiện là vua phá lưới.
* SEA Games 23, trước sức ép của dư luận, ông Riedl đã gọi vua phá lưới nội Hoàng Ngọc Linh lên tuyển nhưng chỉ để ngồi ghế dự bị cho đến lúc loại khỏi danh sách đăng ký SEA Games 23.

HLV Alfred Riedl và tuyển thủ Trần Công Minh tại SEA Games 20 - Brunei 1999.
Ảnh: Hoàng Hùng
Bây giờ sau chuyến xuôi Nam, ngược Bắc và lăn lộn trên các sân cỏ hạng Nhất lẫn V-League, ông đã tìm được gần 30 cầu thủ nhưng ở đấy lại không có những gương mặt mới.
Những cái tên ông gọi hầu hết đều đã một lần lên tuyển bất chấp phong độ hiện tại. Nhiều người vẫn gọi đấy là phương án an toàn mà kinh nghiệm làm bóng đá Việt Nam lâu năm đã dạy cho ông.
Các chuyên gia than thở rằng tiếc cho những chuyến đi của ông vì nó chỉ đóng khung trong những con người cũ thay vì tìm tòi và phát hiện nhân tố mới. Vẫn biết rằng cánh cửa ở đội tuyển không đóng sập lại trước một ai (theo như ông nói) nhưng cái cách tìm người và chọn người ấy không tạo ra được động lực phát triển cho các cầu thủ trẻ phấn đấu dành suất vào đội tuyển.
Nói ông thích phương án an toàn với bài dùng người đã biết và đã qua thử thách cũng đồng nghĩa với việc nhiều người cho rằng ông đã đặt sẵn chỗ cho các cầu thủ quen thuộc.
Ông Riedl vốn không thích sự mạo hiểm. Lần đầu đặt chân đến Việt Nam, sau một tháng tập huấn tại châu Âu, được chứng kiến phong độ cực tốt của tiền đạo trẻ Thạch Bảo Khanh nhưng khi buộc phải gút danh sách 20 cầu thủ thì ông gạch đi cái tuổi 19 để giữ lại tiền đạo 35 tuổi đã một lần treo giày nhưng địa phương yêu cầu trở lại thi đấu. SEA Games 23 ông cũng từng gọi vua phá lưới nội Hoàng Ngọc Linh lên vì sức ép dư luận nhưng lại không tạo điều kiện để ông vua nội này hòa nhập với tập thể.
Ông chấp nhận mang tiếng bảo thủ để bảo vệ những gì mình biết và mình đã kiểm chứng qua thời gian thay cho yếu tố đột biến và kế thừa cũng quan trong không kém trong thể thao. Những yếu tố mà sau trận chung kết Tiger Cup 98, nhiều chuyên gia (đặc biệt là những chuyên gia phụ trách công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ) đã hối tiếc vì đội tuyển đã không tạo cơ hội cho một cầu thủ trẻ như Thạch Bảo Khanh thể hiện mình trong trạng thái sung sức nhất.
Hoặc chí ít là khi Văn Sỹ Hùng không thể ra sân (do hai thẻ vàng) thì một cầu thủ trẻ hơn và năng nổ không kém là Nguyễn Tuấn Thành lại bi nhốt trên ghế dự bị để đáp ứng cho cái kinh nghiệm của một cầu thủ tuổi 35 trên sân. Ở đây, cả tính kế thừa lẫn tính đột biến đều không nằm trong những toan tính của nhà cầm quân.
Đã từng có những so sánh với ông Riedl với một nhà cầm quân có quá trình gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu năm là ông Calisto về sự đầu tư nâng cấp cho các cầu thủ trẻ ở cấp độ đội tuyển. So sánh qua một mùa Tiger Cup 2002 với thành phần 2/3 “lính mới” thế nhưng ông Calisto đã tạo dựng nên được những tên tuổi như Tài Em, Xuân Thành, Trường Giang… Điều mà bóng đá Việt Nam luôn đặt ra như một tiêu chí và rồi bị chính thành tích che đi cái tiêu chí của mình qua những cuộc gom quân tìm thành tích.
Ông Riedl có thể quên đi những thành tích ở Cúp mùa Xuân, ở LG Cup và thậm chí là ở Asiad để có được một đội ngũ toàn diện và khởi sắc hơn ở Cúp Đông Nam Á 2006 (thay cho Tiger Cup) và xa hơn là SEA Games 24 trên đất Thái.
Có phải ông thầy người Áo đã quá quen với cái kiểu giao việc nên phải chọn phương án an toàn?
Đã có ý kiến đặt ra rằng nếu đặt cho ông Riedl một mục đích xa hơn khoảng từ 2-3 hoặc 5 năm cho một mục tiêu trẻ hóa thì ông sẽ tự làm mới mình và làm mới cả đội tuyển.
Tiếc rằng chẳng ai chịu nhìn xa khi giao việc cho ông thầy ngoại.
Ai cũng muốn có thành tích, có huy chương. Những cái muốn ấy đã và đang bóp chết cơ hội phát triển của các tài năng trẻ không có cửa phấn đấu vào đội tuyển thường trực đã đóng khung.
NGUYỄN NGUYÊN