Trong sự nghiệp cầm quân của mình, ông Luiz Felipe Scolari đã hai lần đánh bại ông Sven Goran Eriksson và người Anh. Lần đầu tiên, tại tứ kết World Cup 2006, dù bị dẫn trước 0-1, tuyển Brazil do ông Scolari dẫn dắt vẫn thắng ngược 2-1 sau cú sút chính xác của Rivaldo và pha đá phạt kỳ diệu từ hơn 40m của Ronaldinho (ở nửa sau hiệp 2 trận đấu đó, Brazil chỉ chơi với 10 người trên sân vì Ronaldinho lĩnh thẻ đỏ).

Ronaldo vượt qua Terry trong trận Bồ Đào Nha – Anh (tứ kết Euro 2004).
Lần thứ 2, tại tứ kết Euro 2004, ông Scolari lại đào sâu ân oán với Eriksson và người Anh khi đưa tuyển Bồ Đào Nha đến thắng lợi cuối cùng sau loạt sút luân lưu 11m định mệnh. Giờ đây, trước trận Anh – Bồ Đào Nha tại tứ kết World Cup 2006, ông Scolari đang hướng đến cú hattrick chiến thắng cho riêng mình!
Người Anh rõ ràng chẳng thể chấp nhận điều đó. Và với ông Eriksson, đây chính là cơ hội cuối cùng để ông dẫn dắt tuyển Anh gỡ gạc chút danh dự khi giáp mặt ông Scolari. Cơ hội cuối cùng hóa ra lại là một cơ hội rất lớn vì Bồ Đào Nha ra sân mà thiếu “mồi lửa” Deco và cầu thủ năng nổ Costinha.
Người ta vẫn không mấy tin vào những quyết định và chiến thuật của ông Eriksson. Tuyển Anh dưới thời ông không gây quá nhiều thất vọng nhưng cũng không gặt hái nhiều thành công. Thế là cái kiểu thành tích cứ “bình bình” mà ông Eriksson mang lại khiến nhiều người cảm thấy… điên tiết.
ĐỘI HÌNH DỰ KIẾN: |
ANH (4-5-1): 1-Paul Robinson; 2-Gary Neville, 5-Rio Ferdinand, 6-John Terry, 3-Ashley Cole; 7-David Beckham, 8-Frank Lampard, 16-Owen Hargreaves, 4-Steven Gerrard, 11-Joe Cole; 9-Wayne Rooney BỒ ĐÀO NHA (4-5-1): 1-Ricardo; 13-Miguel, 16-Ricardo Carvalho, 5-Fernando Meira, 14-Nuno Valente; 8-Armando Petit, 18-Maniche, 11-Simao Sabrosa, 7-Luis Figo, 17-Cristiano Ronaldo; 9-Pauleta |
Nhưng cũng đành vậy, khi John Terry rồi Rio Ferdinand không quá ổn định, khi Frank Lampard và Steven Gerrard vẫn chưa tìm được tiếng nói chung như một bộ đôi thực thụ ở khu vực giữa sân, người Anh sẽ vẫn phải quay cuồng với những câu hỏi, liệu David Beckham sẽ tận dụng tốt các quả sút phạt của mình, liệu Wayne Rooney bắt đầu tìm thấy cảm hứng từ trái bóng?
Tuyển Anh sẽ lại ra sân với đội hình 5 tiền vệ. Nhưng trên hành lang phòng ngự biên phải, Gary Neville đã trở lại – Owen Hargreaves sẽ quay lại với vị trí tiền vệ quen thuộc của mình. Trên hàng tấn công, Rooney vẫn tiếp tục chơi đơn độc nhưng nhiều người đang bắt đầu tin rằng, khoảnh khắc tỏa sáng của anh không còn bao xa.
Ông Scolari cũng sẽ vẫn trung thành với đội hình 4-5-1 – với Pauleta đá cắm trên hàng tiền đạo. Đây là đội hình đã mang đến sự cơ động và lối chơi tốc độ cho tuyển Bồ Đào Nha trong thời gian gần đây. Nhưng khi thiếu hai “động cơ” Deco và Costinha, liệu bộ máy tấn công của Bồ Đào Nha vẫn sẽ tiếp tục vận hành hoàn hảo? Để đảm bảo điều này, những Maniche, Cristiano Ronaldo, Simao Saborsa và Luis Figo sẽ phải chạy nhiều hơn, chuyền bóng nhiều hơn và… dứt điểm nhiều hơn.
Trong tình thế hiện nay, dù rằng người Anh vẫn chưa trở thành một tập thể đáng sợ, xem ra ước muốn giành hattrick chiến thắng với ông Scolari không đơn giản một chút nào!
HOÀNG DƯƠNG
VTV3, VTC1, VCTV3, HTV2, HTV9, BTV1 trực tiếp lúc 22 giờ ngày 1-7
Chiến thuật Anh – Bồ Đào Nha Có lẽ đội hình chiến thuật của Eriksson vẫn là 4-1-4-1, với Rooney hoạt động một mình trên tuyến đầu. Bồ Đào Nha cũng chỉ cắm một mình tiền đạo Pauleta, với 5 tiền vệ hỗ trợ phía sau. Nhìn chung, từ đầu giải đến nay, đội tuyển Anh chưa làm gì để các đối thủ phải khiếp sợ nhưng biết đâu chừng sau những bước khởi đầu chậm chạp, họ sẽ chơi mỗi lúc một hay hơn. Bồ Đào Nha cũng thế.
-Hàng hậu vệ: Cặp trung vệ Anh vốn mạnh, nhưng ở World Cup 2006 lại là vị trí đáng lo ngại. Họ tỏ ra bấp bênh khi chống lại các pha đá phạt của đối phương, đặc biệt một sai lầm trong phá bóng bổng của một cầu thủ vốn giỏi bóng bổng như Terry suýt chút nữa đã mang lại bàn thắng cho Ecuador. Vị trí hậu vệ trái của Ashley Cole đáng tin cậy hơn. Ở cánh phải, Gary Nevile sẵn sàng trở lại để kết hợp với Beckham dọc hành lang. -Hàng tiền vệ: Những Beckham, Gerrard và Lampard được đánh giá là có “đẳng cấp thế giới”, nhưng họ chưa hợp thành một bộ ba tỏa sáng. Lampard hình như đã để quên tài sút xa của anh ta ở nhà. Nhìn chung, hình như chỉ có chiến thuật 4-4-2 mới giúp các học trò của Eriksson vận hành một cách thoải mái. -Hàng tiền đạo: Do Owen chấn thương, mọi chuyện bây giờ dồn lên Rooney. Nhưng cho đến nay, Rooney vẫn chưa tỏ ra nguy hiểm như các cổ động viên Anh mong chờ. Nhìn chung, nếu thế trận không được cải thiện, Eriksson có thể sẽ tung thêm chàng cao kều Peter Crouch vào cuộc, chuyển sang 4-4-2.
-Hàng hậu vệ: Nhìn thì có vẻ bấp bênh, nhưng hàng phòng ngự BĐN chỉ lọt lưới đúng 1 bàn sau 4 trận đấu. Cặp trung vệ Carvalho – Fernando Meira sẽ dè chừng Rooney trong khi cặp hậu vệ cánh Miguel và Nuno Valente thỉnh thoảng lại dâng lên cao. -Hàng tiền vệ: HLV Scolari đã phải điều chỉnh để lấp vào khoảng trống mà Deco và Costinha để lại. Với chính sách xoay vòng lực lượng thường xuyên, những vai phụ của Scolari không phải là thiếu kinh nghiệm và họ sẽ chẳng bỡ ngỡ gì khi lấp vào các khoảng trống. Armando Petit sẽ thay vị trí phòng thủ của Costinha. Simao Sabrosa có thể thay Deco. Figo cũng có thể chuyển từ cánh vào giữa để dẫn dắt các cuộc tấn công. Đó là chưa kể Maniche và Cristiano Ronaldo. -Hàng tấn công: Tiền đạo Pauleta có vẻ…không hay lắm vì ít ghi bàn. Nhưng đó là do anh ta phải làm một công việc cũng không kém phần quan trọng: Di chuyển chiến thuật để tạo khoảng trống cho hàng tiền vệ băng lên. Thực tế, Pauleta đã có 47 bàn trong 85 trận đấu cho đội tuyển. Phương Lan tổng hợp |