
Tại chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc) từng có một "ông Tây" đến học võ rồi đi biểu diễn khắp thế giới. Đó là Matthew Ahmet 20 tuổi, người Anh.
Ai nhìn Ahmet cũng thấy "ngầu". Nhưng khi nói chuyện, Ahmet có nụ cười tươi và luôn khẳng định nội tâm rất bình an, hạnh phúc. Thật khác với cơ thể đầy những dấu ấn của bạo lực: đầu cạo trọc cho thấy một vết sẹo trên trán, "kỷ niệm" của một thanh sắt đập vào đầu. Cánh tay anh cũng đầy những dấu sẹo do dao nhọn đâm vào và tay trái từng nhúng vào nồi nước sôi.

Năm 17 tuổi, Ahmet đã rời London để tu tại Thiếu Lâm Tự, chấp nhận từ bỏ cuộc sống sôi động của phương Tây, bắt đầu một cuộc tập luyện võ nghệ gian khổ. Anh kể, mới đây về thăm nhà, anh tìm một người bạn cũ đang học ở đại học Manchester: "Phòng cậu ta quần áo bẩn quăng khắp nơi, chén đĩa ăn xong không rửa. Ở chùa, tôi phải tự giặt áo bằng nước lạnh và tắm nước lạnh, ngủ chiếu. Mọi thứ là sự tu trì và sống kỷ luật, nên tôi không thể tưởng tượng mình có thể sống cuộc sống sinh viên như anh bạn kia được nữa". Anh cũng cười hiền khi được hỏi còn nhớ gì về cuộc sống cũ: "Tôi thích được tắm nước nóng khi về nhà".
Sự thay đổi của Ahmet bắt đầu cách đây 9 năm, khi đoàn võ sinh Thiếu Lâm đến London biểu diễn. Ahmet lúc đó 11 tuổi, được anh ruột dẫn đi xem và thích mê, từ phần đọc kinh, biểu diễn khí công cho đến những màn trình diễn kỹ năng điêu luyện. Ahmet quyết tâm đi tu từ lúc trông thấy một võ sinh trồng cây chuối chỉ bằng 2 ngón tay. Trên đường về ngôi nhà 3 phòng ngủ mà cậu đang ở cùng bố mẹ và 2 ông anh, Ahmet tư lự hẳn.
Một giấc mộng mới hình thành. Khi nói ý định đi học võ kung-fu ở Trung Quốc, bố mẹ cậu chỉ cười. Nhưng chú nhỏ mê xem phim võ hài của Thành Long quyết theo bằng được: "Tôi tìm được một CLB võ thuật nhỏ, rồi khi khá hơn, tôi bắt đầu có thầy dạy riêng từ lúc 5 giờ mỗi sáng, trước khi đi học". Bên cạnh đó, Ahmet cũng tìm hiểu mọi điều về Thiếu Lâm, lấy ảnh họ từ mạng internet in ra rồi dán khắp phòng ngủ. Cậu còn mượn máy may của trường để tự may vài bộ cà sa.

Khi Ahmet 15 tuổi, ông bố Metin phát hiện bệnh ung thư tinh hoàn, phải nhập viện. Bà mẹ Penny và người anh luôn trực cạnh giường bệnh. Ahmet kể: "Chứng kiến bố đau đớn, đó là thời điểm đáng sợ nhất trong đời. Nhưng tôi hiểu rằng cuộc đời này rất ngắn ngủi". Cậu không muốn vào đại học nữa, cậu quyết tâm theo đuổi ước mơ. Khi bố bình phục, Ahmet xin bố mẹ cho anh một mình đi Trung Hoa, qua lá thư giới thiệu của một võ sư. Nhà chùa đồng ý cho anh tu thử một năm. Bố Ahmet không muốn con bỏ dở việc học, nhưng người mẹ đồng ý và trả tiền vé máy bay cho đứa con út.
Thế là năm 2005, Ahmet lên đường. Sang Trung Quốc, anh không biết tiếng Hoa, người dẫn đường không biết tiếng Anh, nhưng Ahmet vẫn tìm được đến chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hồ Nam. Ngay 5 giờ sáng, các chú tiểu -nhỏ nhất là 4-5 tuổi - đều thức dậy chạy bộ lên một ngọn núi, lên đến nơi lại... bò như cua để luyện cơ bắp. Xuống tới chân núi, họ tập căng cơ thêm 20 phút, đúng 7 giờ ăn sáng với món cháo rau.
Từ 8 giờ đến 11 giờ tiếp tục tập luyện, gồm 30 phút chạy bộ để tiếp tục làm nóng. Giữa trưa ăn cơm rau và ngủ 2 giờ, chiều tiếp tục tập cho đến 9 giờ đêm. Ahmet không bỏ cuộc. Một năm sau, anh đã có thể cùng các võ sinh đi biểu diễn. Hè năm ấy, bà mẹ qua thăm, thấy con sụt ký, đầu trọc lóc nhưng vẫn đầy hạnh phúc.
Ngày 25-1-2009, Ahmet sẽ thành hôn với cô sinh viên 20 tuổi người Hoa Chang Chun. Hôm ấy cũng là dịp kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ anh. Ahmet được phép lập gia đình do chưa nguyện tu thành võ sư: "Tôi vẫn là một thành viên của chùa Thiếu Lâm. Tôi đã gặp nhiều bạn đồng trang lứa, cũng đầu trọc và đầy sẹo, nhưng chẳng ai có được nụ cười hiền như tôi"
TRẦN TRÍ