Đến hẹn lại lên, những ngày cuối năm Tân Mão, người dân TPHCM lại háo hức chờ đợi một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất của TP: Lễ hội Tết Nguyên Nhâm Thìn đán với các hoạt động đường hoa, đường sách, đường đèn… Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist, Trưởng ban tổ chức lễ hội tết 2012, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về những nét độc đáo riêng của lễ hội năm nay.
* PV: Nhu cầu thưởng thức các hoạt động đường hoa, đường sách, đường đèn… trong những ngày tết đã trở thành một thói quen của người dân TP. Ban tổ chức đã làm gì để những hoạt động này luôn có nét đặc sắc, độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách?
* Ông TRẦN HÙNG VIỆT: Nhu cầu thưởng thức của người dân TP cũng như du khách bốn phương vừa là áp lực đồng thời cũng là động lực, tạo nguồn động viên, khuyến khích chúng tôi phát huy sáng tạo, đầu tư các chương trình lễ hội qua mỗi năm càng thêm phong phú, tăng chất lượng thẩm mỹ, nghệ thuật, tính sôi động, hấp dẫn. Tất cả nhằm đem đến cho khách tham quan những giây phút thực sự thư giãn trong những ngày lễ tết.
Năm nay, TP đã giao cho chúng tôi tổ chức một loạt hoạt động lễ hội chính, từ các lễ hội Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán với Đường hoa Nguyễn Huệ, Ngày hội bánh tét, pháo hoa, trang trí mặt phố tết, việc bài trí hoa không chỉ chú trọng đẹp trong nhìn ngắm mà còn tính đến sự thuận lợi cho du khách chụp ảnh lưu niệm, trang bị thêm hệ thống âm thanh để hình, âm đi đôi tăng thêm tính sinh động cho đường hoa, đường đèn. Cần phải nhắc đến là sự hỗ trợ của các đơn vị có mặt tiền nằm ở những con đường chính của lễ hội. Các trang trí của các đơn vị trên đã góp phần không nhỏ đem đến sự đa dạng đầy hấp dẫn cho những con đường khu trung tâm dịp lễ hội.
* Năm nay, các con đường lễ hội của TPHCM có điểm gì đặc sắc?
* Đầu tiên phải nói đến hệ thống Đường đèn mang đậm hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Như đường Lê Lợi sử dụng hệ thống đèn led được lập trình chớp tắt để thể hiện hình ảnh rồng đang bay tới. Đường Đồng Khởi lại mang nét đặc thù của xuân Việt như dàn đèn hình các loại hoa mai, đào, hình trời tròn đất vuông biểu tượng của may mắn, toàn mỹ. Đường Nguyễn Huệ lại đậm tính hiện đại với hình địa cầu, đường Lê Duẩn lấy hình ảnh thiên hà thể hiện trí tưởng tượng bay xa… Đường hoa Nguyễn Huệ luôn là điểm nhấn chính của lễ hội tết ở TP mỗi năm.
Năm nay, đường hoa nhấn mạnh nét đẹp của đất nước với chủ đề “Việt Nam - Quê hương tôi” tập trung chuyển tải nét đẹp của làng quê khắp đất nước và vùng biển đảo Việt Nam thanh bình, tươi vui, qua đó khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước và ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Chính vì tập trung vào chủ đề đó nên năm nay, nhiều yếu tố đặc trưng của đồng quê Việt Nam sẽ xuất hiện tại Đường hoa như đồng lúa, ao sen, cầu tre… Ở đây yếu tố mới lạ và truyền thống được kết hợp hài hòa.
* Đến nay, tiến độ thực hiện có gặp thuận lợi hay khó khăn gì không, thưa ông?
* Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ được thi công trong vòng 10 ngày, từ 10-1 đến 20-1, tối 20-1 sẽ khai mạc đường hoa để du khách tham quan. Đến 21 giờ ngày 26-1 đường hoa sẽ ngừng hoạt động để dọn dẹp và 6 giờ ngày 27-1, chúng tôi sẽ trả lại nguyên trạng đường Nguyễn Huệ. Các chương trình khác như Ngày hội bánh tét, pháo hoa, ca nhạc đêm giao thừa đều đang được thực hiện đúng kế hoạch.
Nếu nói điều gì khó khăn thì có lẽ chính là thời tiết, do số lượng hoa rất lớn, đến hơn 100.000 bông nên thời tiết ảnh hưởng lớn đến công tác bảo trì, giữ cho đường hoa luôn tươi đẹp. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm nhiều năm trước với các dạng thời tiết từ lạnh đến nắng nóng nên đây cũng không phải là điều quá khó khăn đối với các nghệ nhân.
TƯỜNG VY