Công nghiệp ô tô Trung Quốc - Con đường dẫn đến thành công

Kỳ 2: Phát triển bằng nhân tài và công nghệ

Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang là hiện tượng và là mối quan ngại lớn với những hãng lâu đời, lớn mạnh của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các tập đoàn đa quốc gia như General Motors, Ford, Chrysler, Toyota, Honda luôn coi các hãng ô tô Trung Quốc là đối thủ tiềm năng tại bất cứ thị trường nào.
Kỳ 2: Phát triển bằng nhân tài và công nghệ

Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang là hiện tượng và là mối quan ngại lớn với những hãng lâu đời, lớn mạnh của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các tập đoàn đa quốc gia như General Motors, Ford, Chrysler, Toyota, Honda luôn coi các hãng ô tô Trung Quốc là đối thủ tiềm năng tại bất cứ thị trường nào.

  • Chiêu dụ nhân tài

Yếu tố nào khiến Trung Quốc có thể bắt kịp công nghệ sản xuất ô tô và không ngừng phát triển? Theo các nhà phân tích, tất cả có thể gói gọn trong 3 giai đoạn chính: tiếp thu công nghệ, phát triển, cuối cùng là bành trướng. Ở giai đoạn đầu, nhờ chính sách vĩ mô của chính phủ đã khiến các nhà sản xuất phải chuyển giao công nghệ, bỏ vốn vào thị trường béo bở này.

Kỳ 2: Phát triển bằng nhân tài và công nghệ ảnh 1

Chiếc Lục Phong của Landwind Europe (Trung Quốc) gây chú ý tại triển lãm Frankfurt. Ảnh: tư liệu

Điều khiến các công nghệ đó đi vào thực tiễn, trở nên hữu dụng nằm ở yếu tố con người-một chiến lược chiêu dụ nhân tài độc đáo. Đây là một trong những nhân tố tiên quyết tới sự phát triển của ô tô Trung Quốc như hiện nay. đó là một chính sách vĩ mô hợp lý được thực hiện bởi những con người có tham vọng và tinh thần dân tộc lớn.

Vì vậy, khi được kêu gọi về cống hiến cho Tổ quốc, rất nhiều người đã từ bỏ các hãng lớn để về xây dựng quê hương. Chính sách này bắt đầu vài năm trước khi Trung Quốc nắm giữ lượng lớn công nghệ.

Tuy nhiên, các nhân tài được kêu gọi về không làm việc trong các liên doanh mà lại ở một lĩnh vực khác mang tính chiến lược: ngành cung cấp phụ trợ. Hàng ngàn sinh viên sang Mỹ học những năm 1980-1990 và đạt các chứng chỉ, bằng tốt nghiệp danh tiếng của Đại học công nghệ Machachusette (MIT), Harvard, Michigan đã về để nghiên cứu công nghệ tiếp thu được của các hãng, ứng dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó là những nhân viên cao cấp đang làm cho Ford, GM, Chrysler, Toyota, Honda.

Những con người này biết cách thẩm định, kiểm tra xem các sản phẩm có đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu hay không. Bất cứ chi tiết nào không đủ chất lượng sẽ được đem ra mổ xẻ nguyên nhân và tìm ra giải pháp hợp lý. Nhà quản lý đã rất kín kẽ khi sử dụng hai nguồn nhân lực này. Trung Quốc có thể làm chủ công nghệ một cách tự tin khi các hãng cung cấp phụ trợ ăn nên làm ra.

Bên cạnh đó, nhờ chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn nên chính phủ có thể “bắt” các hãng phải sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đến lượt mình, các hãng phụ trợ (không liên doanh với các hãng nước ngoài) tự do chuyển giao sản phẩm của mình cho các hãng trong nước để lắp ráp các sản phẩm hoàn toàn tương tự.

Chính cách thức này đã khiến nhiều hãng xe đau đầu, sau một thời gian ngắn, nhiều nhà sản xuất trong nước đã có ngay một mẫu xe hoàn toàn tương tự mà không mất một đồng nghiên cứu, thiết kế nào. Điển hình trong số này là mẫu xe bán chạy nhất Chery QQ dựa trên chiếc Daewoo Matiz, còn Geely Haoqing lắp ráp từ mẫu xe cũ Daihatsu Charade. Nhờ chiến lược tinh khôn này nên chưa đầy 20 năm, Trung Quốc đã có ngành công nghiệp không kém nhiều nước trên thế giới.

  • Những con đường phát triển

Sau giai đoạn liên doanh với các hãng xe nổi tiếng, Trung Quốc đang đột phá vào ngành công nghiệp ô tô toàn cầu bằng chính sách bỏ tiền mua lại những nhà máy sản xuất động cơ tốt nhất. Đây là giai đoạn tiếp theo, hướng tới các thị trường lớn thế giới như Mỹ, châu Âu bởi chỉ có cách nâng cao chất lượng, ô tô Trung Quốc mới có thể làm được điều đó.

Thông qua những vụ mua bán, Trung Quốc từng bước xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi chất lượng hàng đầu thế giới ngay tại quê hương. Động thái đầu tiên thể hiện cho tham vọng chinh phục thế giới là việc Lifan (hãng xe máy hàng đầu) mua nhà máy sản xuất động cơ của BMW-Daimler Chrysler tại Brazil đầu năm nay. Nhờ thương vụ này Trung Quốc có thể hạ gục các đối thủ như Hàn Quốc và đuổi kịp Nhật Bản, Đức, Mỹ-xét trên độ tốt của động cơ.

Một nhà phân tích nhận định: “Khó khăn của Trung Quốc là nếu tự nghiên cứu công nghệ, họ phải có chiến lược phát triển và nâng cấp chúng để phù hợp với yêu cầu của thị trường cao cấp như Mỹ hay châu Âu. Việc mua lại công nghệ từ nước ngoài không chỉ giải quyết khó khăn này mà còn giúp các nhà máy của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc tự tin sản xuất xe hơi tiết kiệm nhiên liệu ở quy mô lớn”.

Nhà máy sản xuất động cơ mà Tập đoàn Lifan Group mua là nhà máy nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp ô tô, xây tại Brazil cuối những năm 1990, với giá 500 triệu USD từ liên doanh 50-50 của Chrysler và BMW, Campo Largo sở hữu công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ và Đức để sản xuất động cơ 1,6 lít 16 van Tritec.

Chỉ mấy tháng sau khi mua nhà máy, Lifan đã có sản phẩm 520 trang bị Tritec xuất khẩu sang Việt Nam. Đây thực sự là điều gây ngạc nhiên vì khả năng chuyển giao công nghệ nhanh chóng như vậy. Giá Lifan 520 tại chính quốc chỉ vào khoảng trên 5.000 USD và đó sẽ là áp lực lớn với các hãng khác. Lifan dự định đưa sản phẩm sang các nước đang phát triển ở châu Á và Trung Đông nhằm từ đó lấy vốn tập trung cho các thị trường cao hơn. Quả thật, không ai có thể lường trước sự phát triển nhanh như vậy của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. 

NGHĨA NHÂN

Thông tin liên quan

Kỳ 1: Thời kỳ… “bòn rút” công nghệ 

Tin cùng chuyên mục