Palestine yêu cầu Mỹ và EU công nhận Nhà nước Palestine độc lập

Theo AFP, trong bối cảnh đàm phán hòa bình Trung Đông đang rơi vào ngõ cụt, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas đang thuyết phục cộng đồng thế giới chính thức công nhận một Nhà nước Palestine độc lập.
Palestine yêu cầu Mỹ và EU công nhận Nhà nước Palestine độc lập

Theo AFP, trong bối cảnh đàm phán hòa bình Trung Đông đang rơi vào ngõ cụt, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas đang thuyết phục cộng đồng thế giới chính thức công nhận một Nhà nước Palestine độc lập.

Ngày 16-12, Tổng thống Abbas đã gặp gỡ các đại diện các nước Arab để tham khảo vấn đề trên. Trước đó, nhà đàm phán Palestine Nabil Shaath đã gặp gỡ các đại sứ đến từ Pháp, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch và đặc phái viên về hòa bình của EU tại thành phố Ramallah. Tại đây, ông đã yêu cầu các quốc gia này công nhận một Nhà nước Palestine theo các đường biên giới năm 1967.

Đầu tuần này, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat cũng đã gửi thư tới bà Catherine Ashton yêu cầu EU công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Đây là lần đầu tiên người Palestine chính thức yêu cầu sự công nhận của châu Âu về khả năng thiết lập một Nhà nước Palestine.

Lãnh thổ của Palestine mất dần vào tay Israel từ năm 1946 - 2000 (màu trắng: lãnh thổ Israel; màu xanh: lãnh thổ Palestine).

Lãnh thổ của Palestine mất dần vào tay Israel từ năm 1946 - 2000 (màu trắng: lãnh thổ Israel; màu xanh: lãnh thổ Palestine).

  • Thái độ Mỹ và EU vẫn mập mờ

Tuy nhiên, ngày 16-12, dù Mỹ và EU đã đưa ra cam kết mới nhất đẩy mạnh tiến trình thành lập 2 nhà nước cùng tồn tại song song là Palestine và Israel, nhưng cả hai đều từ chối nói rõ lộ trình cụ thể. Các ngoại trưởng EU cho biết, họ sẽ công nhận Nhà nước Palestine “vào một thời điểm thích hợp”. Còn Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ ra nghị quyết phản đối “mọi hành động đơn phương” công nhận Nhà nước Palestine độc lập không thông qua kết quả hòa đàm Israel-Palestine.

Có thể nói thái độ của Mỹ và EU thật khó hiểu trong vấn đề hòa bình Trung Đông. Đã có 130 quốc gia công nhận nền độc lập của Palestine, nhưng cả hai chủ thể đóng vai trò quan trọng trong bộ tứ thúc đẩy hòa bình vùng đất này lại không tích cực như mong đợi. Dư luận thế giới cũng so sánh thái độ của Mỹ và EU dành cho Palestine với thái độ mà họ dành cho tỉnh ly khai Kovoso thuộc Serbia. Phải chăng vấn đề ở đây là lợi ích của họ khi can dự vào các vấn đề quốc tế?

Mới đầu tuần này, Mỹ phải thừa nhận họ không thể gây áp lực buộc Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của Palestine trong khi các cuộc hòa đàm Trung Đông bế tắc vì vấn đề này. Nhưng nước Mỹ vẫn không thừa nhận mà nói rằng vấn đề khu định cư Do Thái không phải là cản trở chính cho hòa đàm.

  • Palestine kiên quyết hành động

Ngày 17-12, theo AFP, người Palestine đã khẳng định sẽ không đàm phán với Israel dưới mọi hình thức nếu như Israel không dừng việc xây dựng các khu định cư Do Thái. Mỹ dự định sẽ tiến hành thương lượng riêng rẽ với Israel và Palestine về các vấn đề then chốt, bao gồm các đường biên giới của Nhà nước Palestine và các thỏa thuận an ninh.

Tuần trước Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã cử ông Saeb Erekat sang Washington và gửi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton một bức thư, đưa ra hai yêu cầu với Mỹ.

Thứ nhất, Mỹ đảm bảo chắc chắn sẽ yêu cầu được Israel chấm dứt việc xây dựng khu định cư trên vùng đất chiếm đóng.

Thứ hai, Mỹ phải công nhận Nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới trước cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967. Trong thư, Palestine cũng yêu cầu Mỹ phải trả lời cho Palestine vấn đề trên. Tuy nhiên cho đến nay, một tuần đã trôi qua, chính quyền Washington vẫn chưa có câu trả lời cho Palestine.

Vào ngày 15-12, Na Uy trở thành nước thứ 130 công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Na Uy cũng đã nâng mức đại diện của phái đoàn Palestine tại Oslo lên thành “phái bộ ngoại giao”. Trước đó 4 tháng, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã nâng cấp cơ quan đại diện của Palestine tại những nước này. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục