Pencak Silat không còn là ưu thế của Indonesia

Cũng giống như bóng rổ của người Mỹ hay golf của người Anh, môn võ thuật truyền thống pencak silat của người Indonesia đang phát triển rất mạnh mẽ ra đấu trường quốc tế, du nhập một cách rộng rãi và có chiều sâu vào nhiều quốc gia, vì thế, có thể nói rằng, Indonesia đã không còn nắm giữ vị thế độc tôn của môn này.
Pencak Silat không còn là ưu thế của Indonesia

Cũng giống như bóng rổ của người Mỹ hay golf của người Anh, môn võ thuật truyền thống pencak silat của người Indonesia đang phát triển rất mạnh mẽ ra đấu trường quốc tế, du nhập một cách rộng rãi và có chiều sâu vào nhiều quốc gia, vì thế, có thể nói rằng, Indonesia đã không còn nắm giữ vị thế độc tôn của môn này.

Môn pencak silat ở SEA Games 26 - với 18 bộ huy chương - đã bắt đầu được đưa vào tranh tài từ hôm qua, 13-11, ở Nhà thi đấu Padepokan Pencak Silat TMII (Đông Jakarta) với sự tham gia của 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Myanmar, Philippines, Đông Timor…

Dưới đây là quan điểm của một chuyên gia về pencak silat - ông Suhartono (cựu VĐQG Indonesia, từng có thời gian làm việc ở Việt Nam), đang là HLV trưởng của đội tuyển pencak silat Brunei - về tình hình của pencak silat ở SEA Games 2011: “Hiện tại, Indonesia, Việt Nam và Malaysia là 3 quốc gia sở hữu những VĐV pencak silat rất mạnh. Tôi có thể tiên đoán về độ mạnh yếu của 9 quốc gia tham dự môn này tại SEA Games 26, nhưng dường như đội tuyển chủ nhà Indonesia được chuẩn bị tốt nhất - họ đã trải qua 3 tháng tập luyện ở Trung Quốc và chuyến tập luyện này dường như đã mang lại rất nhiều tiến bộ, mang lại rất nhiều thành công”.

Một pha biểu diễn pencak silat của 2 VĐV Indonesia.

Một pha biểu diễn pencak silat của 2 VĐV Indonesia.

Để nói về tình hình của pencak silat ở các kỳ SEA Games, không ai rành hơn ông Suhartono - người từng tuyên bố ông đã giúp huấn luyện và đào tạo ra phần lớn các VĐV pencak silat tham dự các kỳ SEA Games.

Chuyên gia Suhartono từng tham gia huấn luyện lứa VĐV pencak silat đầu tiên cho Việt Nam hồi năm 1995, và nhờ vào sự giúp đỡ của chuyên gia này, Việt Nam đã trở thành một thế lực thật sự trong môn pencak silat, chia sẻ quyền lực với Indonesia - giành được 3 HCV ở SEA Games Bandar Seri Begawan 1999; đánh bại chính “cái nôi” Indonesia, mang về 7 HCV ở SEA Games Kuala Lumpur 2001, rồi lại thắng 7 HCV ở SEA Games 2003 diễn ra trên sân nhà. Chính ông Suhartono cũng là người từng giúp cho pencak silat Philippines giành 1 HCV ở SEA Games Manila 2005 và đưa Thái Lan thắng được 4 HCV ở SEA Games Nakhon Ratchasima 2007.

Theo chuyên gia Suhartono, sự cạnh tranh trong môn pencak silat ở SEA Games lần này sẽ trở nên đồng đều hơn khi các quốc gia như Myanmar, Philippines và Brunei đều có những tiến bộ đáng kể và mỗi quốc gia có thể tìm được ít nhất 1 HCV. Tuy nhiên, ưu thế vẫn sẽ thuộc về bộ 3 thế lực: chủ nhà Indonesia, “kẻ thách thức số 1” Việt Nam và Malaysia.

Ông Suhartono cũng cho biết chủ nhà Indonesia cần phải tập trung tối đa ngay cả khi họ biết tin Việt Nam có thể chỉ đưa sang nhiều võ sĩ trẻ, ông Suhartono lưu ý Indonesia rằng, trong số các VĐV pencak silat Việt Nam tham dự SEA Games 26, vẫn có 4 võ sĩ dày dạn kinh nghiệm có nhiều khả năng thắng HCV.

Tuy nhiên, Giám đốc trại huấn luyện pencak silat quốc gia Indonesia - ông Edhy Prabowo - cho biết, ông vẫn tuyệt đối tin tưởng vào các võ sĩ của mình: “Chúng tôi đã tập luyện tích cực trong suốt một năm rưỡi nay. Đất nước đã chi rất nhiều tiền của cho chúng tôi và chúng tôi không nên lãng phí cơ hội của mình. Chúng tôi nên chứng tỏ cho đất nước của mình thấy sự nghiêm túc trong việc cạnh tranh giành HCV”.

Pencak silat lần đầu tiên được giới thiệu thi đấu ở SEA Games Jakarta 1987. Vovinam của Việt Nam đang cố tiếp bước con đường này… 

HOÀNG PHONG

Tin cùng chuyên mục